VITIC
Xuất nhập khẩu

Việt Nam - Uzbekistan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dâu tằm tơ

24/01/2024 09:54

Ngày 22/1, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi tiếp và làm việc với đoàn Ủy ban Phát triển công nghiệp tơ lụa và len Uzbekistan do ông Ikboljon Ergashev, Chủ tịch Ủy ban làm trưởng đoàn.


Toàn cảnh buổi tiếp 

Tại buổi tiếp đoàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm từ lâu đời, với diện tích trồng dâu khoảng 13,2 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên. Việt Nam là nước sản xuất tơ lụa lớn trên thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu tơ thô. Công nghiệp sản xuất các sản phẩm tơ tằm chưa phát triển, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao mới ở giai đoạn sơ khai. Ngày nay, các làng nghề này vẫn đang phát triển nhưng kỹ thuật theo lối cổ truyền, sản xuất thủ công. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm lụa khá đẹp, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Hiện Việt Nam có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm, có 38.076 hộ nông dân với hơn 101.705 nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, tính theo lao động chiếm 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu.
 
Năm 2022 giá trị xuất khẩu tơ tằm tăng lên tới 97,7 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ (năm 2020: 91,4%, năm 2021: 92,3%, năm 2022: 95%).


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi tiếp 

Bà Zulaykho Makhkamova, Chủ tịch Ủy ban Gia đình và Phụ nữ Cộng hòa (kiêm Phó Thủ tướng Uzbekistan) đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Uzbekistan trong nhiều năm qua. Bà mong muốn trong tương lai, hợp tác nông nghiệp và thương mại hai chiều giữa hai nước được thúc đẩy và phát triển hơn nữa, đặc biệt là hai bên tập trung trao đổi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm lấy tơ và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.


Bà Zulaykho Makhkamova, Chủ tịch Ủy ban Gia đình và Phụ nữ Cộng hòa (kiêm Phó Thủ tướng Uzbekistan) 

Ông Ikboljon Ergashev, Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp tơ lụa và len Uzbekistan cho biết, ngành dâu tằm tơ được Chính phủ Uzbekistan rất quan tâm trong những năm qua. Số lượng doanh nghiệp sản xuất dâu tằm đã tăng gấp 5 lần trong thời gian gần đây, Uzbekistan nằm trong top 5 nước xuất khẩu mặt hàng này, với khối lượng xuất khẩu đạt 23.600 tấn trong năm 2023, trong đó 50% được xuất khẩu sang Việt Nam. Ông hy vọng mối quan hệ hợp tác phát triển ngành công nghiệp tơ tằm với Việt Nam sẽ được duy trì và củng cố thêm trong thời gian tới.
 
Theo ông Ikboljon Ergashev, Uzbekistan có trung tâm nghiên cứu các sản phẩm tơ tằm và hai nước có thể hợp tác theo hướng trao đổi về giống dâu tằm cũng như hợp tác giữa các viện nghiên cứu về tơ tằm của Việt Nam với các viện nghiên cứu của Uzbekistan. Hai bên cũng có thể tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, diễn đàn đề liên quan đến công nghệ phát triển ngành tơ tằm. Uzbekistan dự kiến tổ chức tuần lễ thời trang đối với các sản phẩm tơ tằm vào tháng 6/2024 và ông mong muốn các nhà sản xuất phía Việt Nam sẽ tham dự sự kiện này. Uzbekistan cũng đang có kế hoạch mở văn phòng đại diện thương mại và công nghiệp tại Hà Nội. Theo ông, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu hàng đầu sản phẩm tơ lụa của Uzbekistan, trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa biết về chất lượng cũng như đặc tính ký thuật của sản phẩm tơ lụa Uzbekistan. Chính vì vậy, việc mở phòng đại diện thương mại Uzbeikistan tại Hà Nội rất quan trọng và hỗ trợ rất nhiều cho việc tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại dâu tằm tơ giữa hai nước.


Ông Ikboljon Ergashev, Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp tơ lụa và len Uzbekistan 

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết hoàn toàn nhất trí với những đề xuất của phía Uzbekistan. Thứ trưởng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ cử Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc, trao đổi sâu hơn với Uzbekistan để đưa ra kế hoạch hợp tác cụ thể, đi đến ký kết văn kiện hợp tác hai bên trong thời gian sớm nhất.

 

Nguồn: Mard.gov.vn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.379