Việt Nam tham dự Hội chợ Thương mại Trung Quốc - ASEAN lần thứ 21
Ngày 24/9/2024, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc Hội chợ Thương mại Trung Quốc - ASEAN lần thứ 21 (CAEXPO 2024) đã chính thức được khai mạc. Hội chợ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, được Chính phủ Trung Quốc quyết định tổ chức thường niên kể từ năm 2004.
Tham dự Hội chợ năm nay, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dẫn đầu cùng với Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương trên cả nước tham dự các hoạt động chính tại Hội chợ.
Ảnh: Moit.gov.vn
Tại CAEXPO 2024, khu gian hàng thương mại Việt Nam với sự tham gia hơn 120 doanh nghiệp, đơn vị đến từ 22 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia trưng bày sản phẩm, dịch vụ trên diện tích gần 5000m2 (khoảng gần 200 gian hàng tiêu chuẩn). Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô lớn nhất tại hội chợ, sau nước chủ nhà Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ chủ yếu thuộc các lĩnh vực ngành hàng: nông sản, thực phẩm chế biến, đầu tư du lịch, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm từ gỗ…
Gian hàng quốc gia Việt Nam chủ đề "Thành phố Đẹp" tại kỳ Hội chợ năm nay, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiêu biểu của Việt Nam tham gia trưng bày, giới thiệu tiềm năng về kinh tế, du lịch, thương mại và đầu tư, đặc biệt nhấn mạnh nét đặc sắc về văn hóa và tiềm năng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung trên diện tích 160m2.
Tiếp nối thành công từ các năm trước, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Ban thư ký Hội chợ CAEXPO và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc” vào ngày 25/9/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế Nam Ninh với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện doanh nghiệp hai nước, các tổ chức xúc tiến thương mại.
Trong 20 năm qua, CAEXPO đã trở thành một nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại đa phương lớn của ASEAN và Trung Quốc, quy tụ đông đảo các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc và các nước ASEAN, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tìm hiểu xu thế thị trường, giao lưu, trao đổi, xúc tiến kinh doanh và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với doanh nghiệp Trung Quốc và các nước ASEAN. Trung bình mỗi kỳ hội chợ, các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc và các nước ASEAN.
Những số liệu thống kê của cả phía Trung Quốc và Việt Nam đã cho thấy, từ chỗ chỉ đạt vài chục triệu USD trị giá các hợp đồng, thỏa thuận giao dịch trong những năm đầu tiên tham gia CAEXPO, những năm gần đây, tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ đã lớn hơn rất nhiều. Và tại các kỳ tổ chức Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ CAEXPO nào cũng thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất từ nhiều năm qua. Kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD/năm. Năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc nói chung đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tại Quảng Tây, Việt Nam hiện có 140 doanh nghiệp đang đầu tư tại Quảng Tây với số vốn đăng ký đạt trên 186 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng công trình điện lực (26%), dự án giao thông vận tải (24%), dự án xây dựng thông thường (24%), dự án xây dựng công nghiệp (20%) và các dự án khác (6%). Từ đầu năm đến nay,Trung Quốc là thị trường đầu tiên có kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD.
Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
-
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lực mua tiếp tục chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (24/9) kéo chỉ số MXV-Index tăng hơn 1,5% lên mức 2.203 điểm.
-
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và EuroCham phối hợp tổ chức họp báo công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024).
-
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 99/CĐ-TTg ngày 23/9/2024 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.