VITIC
Thị trường thế giới

Việt Nam là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 3 của Lào trong 4 tháng đầu năm 2024

20/05/2024 15:58

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện qua nhiều chỉ số kinh tế và các thỏa thuận hợp tác. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, Việt Nam và Lào đã không ngừng củng cố và mở rộng hợp tác thương mại song phương. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đã tăng trưởng ổn định qua các năm.

Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào bao gồm xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải, và linh kiện điện tử, trong khi Lào xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như điện năng, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cùng với một số nông sản đặc thù. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh nỗ lực mở rộng thị trường của doanh nghiệp hai nước mà còn là kết quả của các chính sách thúc đẩy thương mại của cả hai chính phủ.

Một trong những yếu tố then chốt giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Lào là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và logistics ngày càng hoàn thiện. Hai nước đã và đang đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là các tuyến đường bộ và đường sắt quan trọng.  Các yếu tố hoàn thiện về giao thông đã góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động thương mại song phương.

Ngoài ra, Thương mại hai nước được hưởng lợi theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.Các hiệp định này không chỉ tạo khung pháp lý vững chắc mà còn góp phần giảm thiểu rào cản thương mại, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam –Lào giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD


Nguồn: Tổng cục Hải quan

Có thể thấy, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện, dựa trên nền tảng hợp tác chiến lược và sự tương hỗ lẫn nhau. Trong đó, cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho sản xuất của hai bên.

Top 10 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Lào trong 4 Tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 3)

Nguồn: Số liệu từ Bộ Công Thương Lào

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương Lào trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 3 của nước này, với trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt 122,47 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,41% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Lào trong 4 tháng đầu năm 2024. Đứng đầu danh sách là thị trường Thái Lan, Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong giai đoạn 2013 – 2023
Đơn vị tính: Triệu USD, %

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Lào năm 2023 đạt 1,63 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 533,68 triệu USD, giảm 18,74% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 0,15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ra thế giới; nhập khẩu đạt 1,09 tỷ USD, tăng 4,74% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 0,34% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thế giới.

Riêng trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Lào đạt 41,27 triệu USD, giảm 22,49% so với tháng trước đó và giảm 14,7% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Lào đạt 186,08 triệu USD, tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Lào trong 4 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong 4 tháng qua, xăng dầu các loại là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Lào với trị giá đạt 34,52 triệu USD, tăng 61,65% so với cùng kỳ năm trước và đạt 18,55% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Lào trong 4 tháng đầu năm.   
 
Trong tháng 4/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Lào tổng 103,16 triệu  USD, giảm 29,56% so với tháng trước đó nhưng tăng 17,99% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Lào tổng 434,55 triệu USD, tăng 12,81% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, cao su là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu của nước ta từ Lào trong 4 tháng đầu năm với trị giá nhập khẩu trong tháng 4/2024 đạt 11,95 triệu USD, giảm 27,32% so với tháng trước và giảm 5,74% so với cùng tháng năm trước; trị giá nhập khẩu mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 67,14 triệu USD, tăng 20,51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 15,45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Lào.  
 

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Lào trong 4 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Lào, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai một loạt các biện pháp chiến lược. Trước hết, về phía các cơ quan nhà nước, việc tăng cường hợp tác song phương thông qua các hiệp định thương mại tự do là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay. Những hiệp định này sẽ giúp giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Lào một cách dễ dàng hơn. Do đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao và các diễn đàn kinh tế để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.

Song song đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics đóng vai trò then chốt. Cải thiện hệ thống giao thông vận tải như đường bộ, đường sắt...không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn rút ngắn thời gian giao hàng. Các dịch vụ logistics hiện đại và kho bãi được trang bị tốt sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc lưu trữ và phân phối hàng hóa.

Về phía doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố then chốt và quan trọng nhất trong hoạt động thúc đẩy xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng nước này. Phát triển thương hiệu mạnh mẽ thông qua các chiến lược marketing hiệu quả sẽ nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, việc tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế cũng là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng tại Lào. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ với đối tác và nhà phân phối địa phương để mở rộng kênh phân phối, hợp tác chặt chẽ với các nhà phân phối, đại lý và doanh nghiệp địa phương sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và logistics là một khía cạnh không thể bỏ qua. Doanh nghiệp cần cải thiện quy trình vận chuyển, giảm thiểu chi phí và thời gian giao hàng, sử dụng các dịch vụ logistics chất lượng cao để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển và lưu trữ trong điều kiện tốt nhất. Áp dụng công nghệ và thương mại điện tử cũng là một biện pháp quan trọng. Song song với đó, việc xây dựng các kênh thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng Lào, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển. Đồng thời, việc sử dụng các phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và quản lý kho hàng cũng sẽ tăng cường hiệu quả vận hành.

Về định hướng hợp tác phát triển của hai nước trong thời gian tới, ngày 08/4/2024, trong chuỗi hoạt động làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Viêng-chăn, Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith, ký Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới. Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, trong khuôn khổ buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thoả thuận đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại bản Thoả thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; biên bản kỳ họp thứ 46 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; bao gồm:

 (i) Thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa hai nước, gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai nước: Hai Bộ trưởng cùng chung nhận định việc thực thi có hiệu quả các cam kết hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Lào phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai nước. Trên cơ sở đó, hai Bên nhất trí đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước như các diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp, hội chợ thương mại, diễn đàn thúc đẩy thương mại, hội thảo thông tin thị trường.

 (ii) Thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào: Hai Bộ trưởng nhất trí thương mại biên giới có vai trò hết sức quan trọng đối với thương mại hai nước. Hiện nay, kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch thương mại hai nước. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn tới, hai Bên cần triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào (ký vào tháng 01/2024); rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.  

 (iii) Tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước: Hai Bộ trưởng đánh giá cao sự cần thiết phải nghiên cứu, khảo sát việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ở biên giới hai nước. Tuy nhiên, trước mắt, để tận dụng nguồn lực sẵn có, hai Bên cần tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện đã có tại khu vực biên giới Việt Nam và Lào. Song song với đó, hai Bên cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện pháp lý cho hoạt động hợp tác công nghiệp biên giới.  

 (iv) Phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào: Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Malaithong Kommasith đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý thị trường xăng dầu; đồng thời giúp Lào ổn định nguồn cung xăng dầu.

 (v) Tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử: Trước những quan tâm của phía Lào liên quan đến công tác quản lý thị trường (chống buôn lậu, chống gian lận thương mại) và phát triển thị trường thương mại điện tử.

Thông tin chi tiết xem tại đây;

 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
  • Giá hàng hoá tăng trở lại, đầu tư hàng hóa tăng trưởng mạnh
    Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới giao dịch sôi động trong tuần vừa qua (13/5 – 19/5). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,85% lên 2.344 điểm. Trong số 31 mặt hàng đang giao dịch tại MXV,
  • Sau ngô, giá lúa mì cũng đối mặt với nguy cơ tăng mạnh
    Thị trường nông sản thế giới ghi nhận nhiều biến động mạnh ngay trong những ngày đầu tháng 5, trong bối cảnh mùa vụ tại các quốc gia sản xuất chính đang bước vào giai đoạn quan trọng. Đáng chú ý, giá lúa mì ghi nhận nhiều phiên nhảy vọt liên tiếp. Đâu là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, và liệu giá lúa mì có tiếp tục tăng trong thời gian tới?
  • EU áp dụng quy trình mới về nhập khẩu hàng hoá từ ngày 3/6/2024
    ​Kể từ ngày 3/6/2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hoá nhập khẩu (ICS2).
  • Giá hàng hóa nguyên liệu hồi phục mạnh
    Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần 6/5 – 10/5, với 21 trên tổng số 31 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh, lực mua hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV,
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.000.544