VITIC
Xuất nhập khẩu

Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 13 của Malaysia trong năm 2023

27/03/2024 09:40

Việt Nam và Malaysia đã xây dựng mối quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ và đa chiều qua nhiều năm. Hai quốc gia này không chỉ chia sẻ một lịch sử và văn hóa chung mà còn có những mối quan hệ kinh tế sâu rộng. Qua việc hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, và phát triển công nghiệp, Việt Nam và Malaysia đã tạo ra những cơ hội mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Malaysia là sự đa dạng trong cấu trúc kinh tế của cả hai nước. Việt Nam có một nền kinh tế phát triển nhanh chóng, với sự đa dạng trong ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, Malaysia là một trong những quốc gia nguồn lực tự nhiên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ và cao su. Sự phù hợp về cấu trúc kinh tế này đã tạo ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam –Malaysia giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ngoài ra, mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia còn được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ. Việt Nam và Malaysia đều đang đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp của cả hai quốc gia đã cùng nhau tham gia vào các dự án hợp tác, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đến phát triển các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến. Sự hợp tác này không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của cả hai quốc gia.

Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 13 của Malaysia, chiếm tỷ trọng 2,26% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước này. Đứng đầu trong danh sách này là các thị trường Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan…

Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Malaysia trong năm 2023 (Việt Nam xếp thứ 13)
Đơn vị tính: %

Nguồn: Trademap.org

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Malaysia năm 2023 đạt 12,67 tỷ USD, giảm 13,73% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,86 tỷ USDgiảm 12,63% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 7,81 tỷ USD, giảm 14,4% so với năm 2022.

Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Malaysia đạt 4,86 tỷ USD, giảm 12,63% so với năm 2022, chiếm 1,37% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Trong đó đứng đầu là những nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (654,8 triệu USD); sản phẩm hóa chất (607,2 triệu USD); sắt thép các loại (578,19 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện (400,78 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (379,42 triệu USD)…

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia trong giai đoạn 2013 – 2023
Đơn vị tính: Tỷ USD, %

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Riêng trong tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Malaysia đạt 328,7 triệu USD, giảm 29,2% so với tháng trước đó và giảm 25,58% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia đạt 792,47 triệu USD, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Malaysia trong 2 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong 2 tháng qua, sắt thép các loại là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia lớn nhất, với kim ngạch đạt 116,78 triệu USD, tăng 66,91% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,74% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Malaysia. 

Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Malaysia trong hai tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ở chiều ngược lại, trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Malaysia đạt 7,81 tỷ USD, giảm 14,4% so với năm trước, chiếm 2,39% tỷ trọng trên tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,85 tỷ USD); xăng dầu các loại (1,58 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (608,84 triệu USD); dầu mỡ động, thực vật (463,79 triệu USD), hóa chất (454,39 triệu USD)…

Trong tháng 2/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Malaysia tổng 656,37 triệu  USD, giảm 23,4% so với tháng trước đó và tăng 16,43% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Malaysia tổng 1,51 tỷ USD, tăng 22,01% so với cùng kỳ 2023.

Trong đó, xăng dầu các loại là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu của nước ta từ Malaysia trong 2 tháng đầu năm với trị giá nhập khẩu trong tháng 2/2024 đạt 168,57 triệu USD, giảm 41,53% so với tháng trước nhưng tăng 113,62% so với cùng tháng năm trước; trị giá nhập khẩu mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 457,26 triệu USD, tăng 68,61% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 30,23% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Malaysia.  

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Malaysia trong 2 tháng đầu năm 2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Malaysia là nước có nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương và được hưởng lợi lớn từ các hiệp định này. Có thể thấy rõ điều này qua việc Malaysia xuất siêu liên tục trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, nền kinh tế Malaysia đa dạng, có nhiều phân khúc thị trường khác biệt về văn hóa, tôn giáo nhưng cùng tồn tại và bổ sung cho nhau. Đặc tính của người tiêu dùng nhìn chung là tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên yêu cầu về Halal (sản phẩm hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo)  là sự khác biệt lớn nhất cần lưu ý.

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy giao thương giữa Việt Nam và Malaysia có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, Malaysia là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Thứ hai, Malaysia là quốc gia có độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Về mặt khó khăn, thách thức, trước hết là sự cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Thứ hai, các mặt hàng thực phẩm đều yêu cầu có chứng chỉ Halal, và việc đạt tiêu chuẩn này sẽ làm doanh nghiệp sản xuất tăng thêm chi phí. Sự đa dạng về văn hóa cũng như tôn giáo khiến doanh nghiệp xuất khẩu cần phải quan tâm đến nhiều phân khúc thị trường khác nhau và đảm bảo sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về văn hóa, tôn giáo của các phân khúc này.

Về thương mại, thị trường hai nước nhìn chung đều mở cửa cho các doanh nghiệp hai bên, ngoại trừ một số rào cản nhỏ như các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật của Malaysia. Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Malaysia, thời gian tới, các doanh nghiệp nước ta cần tập trung quan tâm đến các biện pháp xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta cần tăng cường tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại tại Malaysia để tìm kiến cơ hội và các đối tác phân phối, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm...

Ngoài ra, để tăng cường liên kết và phát triển giao thương giữa hai nước thì Chính phủ hai quốc gia cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Việc đầu tư vào các dự án hạ tầng như cảng biển, logistics sẽ giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, làm tăng hiệu suất kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư đến hai quốc gia.
Có thể nói, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Malaysia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa thông qua việc áp dụng những giải pháp thúc đẩy hợp tác và tận dụng các cơ hội mới. Việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện hạ tầng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia đã có buổi gặp gỡ nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo vào cuối tháng 12/2023. Trong khuôn khổ cuộc gặp, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; sớm tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về Thương mại lần thứ 4 để trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu, dỡ bỏ rào cản thương mại; khai thác hiệu quả các tiềm năng hợp tác giữa hai nước, trong đó có nông nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, tài chính, ngân hàng...Với những nỗ lực trên, kỳ vọng trong tương lai, thương mại giữa Việt Nam – Malaysia sẽ ngày càng phát triển cân bằng, bền vững.

Thông tin chi tiết xem tại đây;

 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.108.884