VITIC
Xuất nhập khẩu

VASEP kiến nghị xem xét gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam

24/04/2024 14:47

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có Công văn số 47/CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.


 

Ảnh minh họa

Theo VASEP, về pháp lý, đây là một cơ chế đã được dự kiến trong VKFTA với cam kết tại khoản 2 Điều 2.3 Chương 2 Văn kiện VKFTA (về quy trình tham vấn để xóa bỏ thuế quan sớm hơn cam kết hiện tại). Còn về thực tiễn, khả năng đề nghị này được phía bạn ủng hộ là rất cao trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thức lạm phát cao, giá thực phẩm tăng phi mã, Chính phủ bạn đã phải chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng và dường như sẽ sẵn sàng xem xét các giải pháp khác giúp giảm giá thực phẩm nhập khẩu như tham vấn điều chỉnh thuế quan VKFTA.
 
Năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện VKFTA. Theo lộ trình, gần hết các dòng hàng thủy sản có mức thuế về 0%. Tuy nhiên, theo cam kết về hạn ngạch tại Phụ lục 2A-1 về quản lý hạn ngạch thuế quan của Hàn Quốc tại Văn kiện VKFTA, hiện vẫn còn nhóm 7 dòng sản phẩm thủy sản (tương ứng với 7 mã HSK: 0306161090, 0306169090, 0306171090, 0306179090, 0306261000, 0306271000 và 1605219000) nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch (hiện là 15.000 tấn/năm).
 
Cụ thể, đối với nhóm này, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo VKFTA cho 15.000 tấn/năm (mức hạn ngạch áp dụng từ năm 2020 trở đi). Khối lượng sản phẩm nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA mà phải chịu mức thuế cơ sở là 20%.
 
Theo thống kê nhập khẩu của Hàn Quốc (kita.org), tổng khối lượng nhập khẩu của 7 dòng sản phẩm trên từ Việt Nam vào Hàn Quốc trong giai đoạn 2016 - 2023 dao động từ 22,5 - 36,3 nghìn tấn, tương ứng với mức vượt hạn ngạch miễn thuế từ 12,5 - 21,3 nghìn tấn/năm.
 
Cụ thể, năm 2022, khối lượng nhập khẩu tôm Việt Nam của 7 mã HSK vào Hàn Quốc là 36.265 tấn, vượt 21.265 tấn so với hạn ngạch miễn thuế; năm 2023 nhập khẩu 29.944 tấn, vượt 14.944 tấn. Như vậy, với riêng sản phẩm tôm chủ lực này, trong giai đoạn 2016 - 2023, có từ 34 - 48% sản lượng tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc phải chịu mức thuế ngoài hạn ngạch là 20%.
 
Việc này khiến các nhà nhập khẩu không còn động lực để tăng mua tôm Việt Nam phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng ở Hàn Quốc, thay vào đó họ đang xem xét mua thêm tôm từ các quốc gia khác (như Peru) có Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc mà mức thuế nhập khẩu đã về 0% với lộ trình 5 - 7 năm theo FTA với Hàn Quốc. Điều này làm triệt tiêu toàn bộ các lợi thế về thuế quan từ VKFTA cho các sản phẩm tôm đông lạnh này của Việt Nam ở thị trường Hàn Quốc.
 
Trong 3 năm gần đây, tính riêng mã HSK 0306171090, lượng nhập khẩu tôm Peru vào Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể trong khi năm 2023 lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm gần 6.000 tấn. Sự khác biệt này chủ yếu do FTA Peru - Hàn Quốc không quy định về hạn ngạch thuế quan như trong VKFTA.
 
Dưới tác động của FTA Peru - Hàn Quốc nay đã hoàn thành lộ trình loại bỏ thuế, nguy cơ tôm Việt Nam mất thị phần tại Hàn Quốc là có thể dự báo được nếu tôm Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu theo cơ chế hạn ngạch, với mức “thuế/chi phí thực tế” khoảng 20% trong so sánh với mức thuế ưu đãi không hạn ngạch 0% của tôm Peru, như hiện nay.
 
Xét trên bình diện toàn cầu, tôm Việt Nam đang rất khó cạnh tranh về sản lượng và giá với tôm Ấn Độ, Ecuador và Indonesia tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và EU. Với thị trường Hàn Quốc, nếu cơ chế hạn ngạch trong VKFTA không được dỡ bỏ, tôm Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ không có ưu thế nào trước tôm Peru.
 
Trong khi đó, đối chiếu với biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam cập nhật nhất (năm 2024), thì toàn bộ các dòng hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã ở mức 0%. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn mở cửa với thủy sản Hàn Quốc nhưng đổi lại vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc.
 
VASEP đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao xem xét và khởi động việc đề nghị tham vấn với Hàn Quốc để gỡ bỏ hạn ngạch hiện tại đối tôm từ Việt Nam vào Hàn Quốc, để người tiêu dùng Hàn Quốc được tiếp cận nhiều hơn với tôm Việt Nam với giá tốt hơn và đảm bảo sự công bằng cho tôm Việt Nam trong cạnh tranh với các nước khác.

 


Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

 
Tin cũ hơn
  • Xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan tiếp tục tăng trưởng về kim ngạch trong tháng 3/2024
    Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan đã trải qua một giai đoạn phát triển đáng kể trong những năm qua. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa tiềm năng kinh tế của cả hai quốc gia và mối quan hệ ngoại giao tích cực. Sự tăng trưởng này phản ánh sự cam kết của cả Việt Nam và Hà Lan trong việc tạo ra một môi trường thương mại bền vững và hợp tác tăng trưởng chung.
  • Những lưu ý khi xuất khẩu dưa hấu sang thị trường Trung Quốc
    Dưa hấu tươi của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không được nhiễm 5 đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống.
  • Doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều sang các nước Bắc Âu cần tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm
    Hạt điều là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm các nước Bắc Âu), hiện nay với sự quan tâm ngày càng tăng đối với chế độ ăn thuần chay, việc tiêu thụ các loại hạt, phết hạt (chẳng hạn như bơ hạt điều) và đồ uống từ hạt như sữa hạt tại Bắc Âu đang ngày càng gia tăng bởi người tiêu dùng cần đáp ứng nhu cầu protein và giải quyết tình trạng không dung nạp đường sữa khi không có protein động vật.
  • Hoạt động thương mại biên giới qua các cửa khẩu biên với Trung Quốc  - cơ hội và thách thức
    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền năm 2023 đạt 42,67 tỷ USD, tăng 81,9% so với năm 2022. Như vậy so với tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (đạt 171,8 tỷ USD) thì xuất nhập khẩu theo hình thức thương mại biên giới sang thị trường này năm 2023 chiếm 24,83%; trong đó xuất khẩu chiếm 28% (đạt 17,14 tỷ USD); nhập khẩu chiếm 23,08% tỷ trọng (đạt 25,54 tỷ USD).
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.405