Vấp đại dịch, kinh tế Việt Nam 2020 tăng trưởng bao nhiêu?
Chính phủ quyết tâm đạt tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng hợp lý để đảm bảo các cân đối vĩ mô, nhưng vấn đề là làm sao để đạt được con số đó?
Trên 5% là mức tăng trưởng hợp lý để nền kinh tế có thể đảm bảo được các cân đối vĩ mô, đặc biệt trong đảm bảo việc làm cho người dân. Ảnh: Đức Thanh
5% - mức tăng trưởng hợp lý
“Quá tốt” là cụm từ được các chuyên gia kinh tế dùng để nói về việc kinh tế Việt Nam nếu đạt được mức tăng trưởng trên 5%. Ông Nguyễn Bích Lâm, người vừa rời chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để nghỉ hưu theo chế độ, cũng nói rằng: “Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm, nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ”.
5% là mức tăng trưởng mục tiêu mới của năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới lần đầu tiên vào phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua và nhắc lại tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cuối tuần qua.
Theo khẳng định của Thủ tướng, dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt được 2,7% trong năm nay, nhưng chúng ta “không thể và không được” để tăng trưởng GDP quá thấp. Con số mà người đứng đầu Chính phủ nhắc tới là trên 5%, bởi có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì thế liên tục nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết. Theo Thủ tướng, đây chính là “yêu cầu cấp thiết” của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước.
Trên thực tế, ngay sau khi con số tăng trưởng GDP 3,82% của quý I/2020 được công bố, cộng thêm những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, khiến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu phải thực hiện “phong tỏa”, “giãn cách xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Chính phủ rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,8% khó đạt được.
“Nếu không đạt được thì phải đưa ra một con số tăng trưởng hợp lý để phấn đấu”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh đã nói như vậy.
Và Chính phủ, dù chưa đặt ra điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng vào thời điểm này, bởi như giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là vấn đề “rất hệ trọng”, cần có những đánh giá, phân tích thận trọng cả tình hình trong nước, quốc tế, phải có thêm các dữ liệu về tình hình quý II và 6 tháng đầu năm 2020, song cũng đã lựa chọn con số 5%.
Mức tăng trưởng GDP 5%, hoặc cao hơn, theo chuyên gia Cao Viết Sinh, là quan trọng và cần thiết, bởi với một nền kinh tế có quy mô nhỏ như Việt Nam, đó là mức tăng trưởng hợp lý để nền kinh tế có thể đảm bảo được các cân đối vĩ mô, đặc biệt trong đảm bảo việc làm cho người dân.
Làm sao để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cần thiết?
Nếu Chính phủ đã quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5%, thì vấn đề lớn nhất trong lúc này là làm sao đạt được mục tiêu đó. “Tôi nghĩ là không dễ dàng, khi mà kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng âm, còn kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc khá lớn vào kinh tế toàn cầu”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.
Thực tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,82% trong quý I/2020. Quý II, con số được dự báo là sẽ còn thấp hơn thế. Do đó, sẽ là một thách thức lớn để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% trong cả năm. Nhiệm vụ nặng nề nằm ở quý III và quý IV của năm.
“Muốn đạt được mức tăng trưởng trên 5%, chúng ta phải tập trung vào 5 mũi giáp công: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
5 mũi đột phá này, theo các chuyên gia, là “đủ, tốt, đúng và trúng”. Tuy nhiên, trong 5 mũi giáp công này, thu hút đầu tư nước ngoài hay đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc vào bên ngoài. Nếu Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch này, thì theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến trình hồi phục của nền kinh tế không thể nhanh và mạnh ngay được.
Giải pháp phục hồi kinh tế trong tầm tay chính là đầu tư công và kích cầu nội địa. “Nhưng điều tôi thắc mắc là vì sao đầu tư công vẫn tắc. Muốn đẩy mạnh đầu tư công, không phải chỉ hô hào là đủ, mà cốt lõi là phải gỡ được nút thắt về cơ chế, thể chế. Đã có rất nhiều bài học về ‘đầu tư ào ào’, ‘hô hào giải ngân’ dẫn đến sai phạm. Vì thế, trước tiên, phải được tháo gỡ nút thắt này, quy định rõ dự án nào được chỉ định thầu, hay đấu thầu như thế nào. Dù trong bất cứ trường hợp nào, hiệu quả đầu tư vẫn cần được coi trọng hơn cả”, ông Lê Đình Ân nói.
Trong khi đó, đứng ở góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong văn bản gửi Chính phủ góp ý về các giải pháp hồi phục kinh tế, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, Chính phủ cần sớm có các gói hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế đủ lớn thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp, được cụ thể hóa cho từng ngành, nghề, loại doanh nghiệp với cơ chế và thủ tục công khai, minh bạch, dễ kiểm soát để tài trợ đúng đối tượng nhằm phát huy nhanh chóng kết quả thực hiện.
“Chính phủ cần coi kích cầu tiêu dùng là đòn bẩy quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh thương mại quốc tế còn gặp khó khăn. Việc giảm 50% thuế VAT mặc dù sẽ giảm thu ngân sách năm 2020, nhưng sẽ kích thích tăng trưởng nhanh hơn là hạ thấp thuế thu nhập doanh nghiệp trong điều kiện đại bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ không có lãi, thậm chí không có doanh thu. Giảm thuế VAT là biện pháp kích cầu hiệu quả”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2009
Năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, nền kinh tế Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với nguy cơ suy giảm. Quý I/2009, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,1%, trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm được Quốc hội quyết nghị là 6,5%.
Đứng trước thực tế đó, Chính phủ, dưới sự tư vấn chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đề xuất giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn 5% cho phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế. Con số 5% lúc đó cũng được coi là mức tăng trưởng hợp lý. Và bằng sự nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, năm đó, tăng trưởng GDP của cả nước đã đạt 5,32%, cao hơn mục tiêu điều chỉnh.
Nguồn: Báo Đầu tư online
Link nguồn
-
Thực hiện nhiệm vụ “củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững” tại Nghị quyết 01/2020/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành 5 nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt thực hiện.
-
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm các lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế dần hồi phục và phát triển theo mục tiêu của Chính phủ, bên cạnh mục tiêu bảo đảm ổn định vĩ mô.
-
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi lợn theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi
-
Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường ĐTKD, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và DN, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Bộ Công Thương quan tâm, đẩy mạnh.