VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Vận tải biển tăng trưởng ấn tượng trong đại dịch

22/12/2021 08:38

Mặc dù chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Đặc biệt, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu vận tải trên các tuyến đi: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu...


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Cục Hàng hải Việt Nam. Ảnh: VGP/PT

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) sáng ngày 21/12, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2021, hoạt động hàng hải chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu TEUs, tăng tới 12% so với năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời...

Đặc biệt, ông Việt thông tin, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có nhịp tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu vận tải trên các tuyến đi: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà cán bộ, viên chức, người lao động đạt được trong một năm nhiều khó khăn vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá: Trong 20 năm qua, việc xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch cảng biển là "nét son" trong công tác quản lý về hàng hải. Nhờ có quy hoạch toàn diện và sự linh hoạt trong thực hiện quy hoạch, Việt Nam đã có hệ thống cảng biển đồng bộ trải dài cả nước.

“Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta mắc phải 'hội chứng cảng biển', địa phương nào cũng muốn có cảng biển, gây ra tình trạng nhiều cảng manh mún. Thế nhưng, tôi cho rằng, nhờ hệ thống cảng rộng khắp trải dài dọc đất nước mà chúng ta hình thành được mạng lưới vận tải ven biển nội địa. Mạng lưới này đã góp phần giảm áp lực cho vận tải đường bộ, phát huy lợi thế vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ, thân thiện môi trường.

Nhờ có sự đột phá về cảng biển, Việt Nam đã có năng lực đón những 'tàu mẹ' thuộc hàng lớn nhất trên thế giới trong năm vừa qua, chúng ta cũng có được tuyến vận tải biển xa từ các cảng cửa ngõ như: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, châu Âu... để hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp trên các tuyến vận tải biển đi khắp thế giới", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định.


Việc khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả đã giúp Việt Nam thu hút được khoản đầu tư lớn từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm vừa qua. 

Bên cạnh đó, việc khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả đã giúp Việt Nam thu hút được khoản đầu tư rất lớn từ xã hội hóa lên tới 84% trong tổng số 250.000 tỷ đồng kinh phí dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải trong 10 năm vừa qua.

"Từ những kết quả đã làm được, giai đoạn tới đây, ngân sách Nhà nước tiếp tục được xác định sử dụng bảo đảm một phần đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, tập trung vào khu vực Cái Mép - Thị Vải, trọng tâm là Cái Mép Hạ; khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và cảng Trần Đề. Hạ tầng bến cảng sẽ tiếp tục thu hút vốn ngoài ngân sách. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Đối với công tác xây dựng thể chế, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương rà soát Bộ luật Hàng hải theo hướng sửa đổi, đổi mới toàn diện, phù hợp với thực tiễn, phù hợp xu hướng phát triển của ngành hàng hải, đáp ứng yêu cầu đặc biệt của chiến lược phát triển kinh tế biển.

"Bộ luật Hàng hải phải được nghiên cứu, rà soát toàn diện vào năm 2014 để có cơ sở đề xuất sửa đổi vào năm 2025, tiến tới năm 2026 Việt Nam sẽ có Bộ luật Hàng hải mới".

Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý, trong 3 'chân kiềng' chính: Đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải, cảng biển được xác định là 'chân kiềng' quan trọng đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa đến hai chân kiềng còn lại. Vì vậy, quá trình rà soát, đơn vị soạn thảo có thể nghiên cứu, đề xuất xây dựng riêng Luật Cảng biển để lĩnh vực này được phát huy, tạo động lực cho kinh tế hàng hải phát triển.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Xúc tiến, quảng bá sản phẩm làng nghề và OCOP Việt Nam năm 2021
    Với chủ đề “Làng nghề Việt Nam trong kinh tế số”, Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 diễn ra tập trung trong 5 ngày từ ngày 21 - 25/12/2021 trên công nghệ SmartROOM nền tảng số triển lãm trực tuyến với quy mô 50 gian hàng trực tuyến.
  • Mali tạm ngừng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản
    Ngày 6/12/2021, ông Mohamed Ould Mahmoud, Bộ trưởng Công Thương Mali đã ban hành quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo, ngô, hạt bông, khô dầu bông, kê và lúa miến để bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm trong nước.
  • Phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn
    Chiều 20/12, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Lạng Sơn cùng với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo dài khoảng nửa tháng qua.
  • Ngành thép chủ động phòng vệ thương mại
    Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, sản phẩm thép là một trong những mặt hàng bị nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.774.707