Ứng phó “cơn bão” điều tra phòng vệ thương mại: Cần sự phối hợp của nhiều bên
Gần 40% các vụ điều tra về phòng vệ thương mại thời gian qua tập trung vào ngành thép. Theo Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến các vụ điều tra phòng vệ thương mại với ngành thép gia tăng thời gian qua, theo đó để ứng phó với các vụ điều tra này, cần sự phối hợp của cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp…
Thép Việt liên tục bị điều tra
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, có 193 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa, xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số vụ điều tra PVTM đối với thép và sản phẩm từ thép chiếm tỷ lệ cao nhất (64 vụ), tương đương 33,1%. Cụ thể, các DN xuất khẩu (XK) thép của Việt Nam đã phải đối mặt với 34/109 vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG), 7/21 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG, 12/23 vụ điều tra chống trợ cấp và 11/40 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ.
Thép là đối tượng của nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại
Mặc dù vậy, dư âm của “cơn bão” PVTM với thép XK vẫn tiếp tục kéo dài từ năm 2020 sang những tháng đầu năm 2021, khi thị trường liên tục ghi nhận các vụ điều tra của đối tác nhập khẩu thép của Việt Nam như: Malaysia, Ấn Độ, Canada, EU, Pakistan…
Cục PVTM cho biết, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến sản phẩm thép bị điều tra. Trong đó, về khách quan: Các quốc gia trên thế giới đang quyết tâm phát triển ngành sản xuất nội địa, trong đó, thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, nên đa số các nước đều cố gắng bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tăng mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động.
Mặt khác, thép là mặt hàng đa dạng, phong phú, có tính ứng dụng rộng rãi, nên khả năng một hoặc một nhóm sản phẩm trong số hàng ngàn chủng loại sản phẩm thép trở thành đối tượng của các vụ kiện là rất cao. Thép là đối tượng của nhiều vụ việc PVTM trên thế giới, nên các sản phẩm XK cùng chủng loại của Việt Nam có nhiều khả năng bị các nước chú ý điều tra để tránh hiện tượng lẩn tránh thuế.
Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song và đa phương thế hệ mới khiến nhiều mặt hàng, trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình…
Về chủ quan, sản phẩm thép XK của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí nhân công rẻ, các DN đang dần dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng, nên đe dọa lợi nhuận của DN nước sở tại. Cùng với đó, hệ thống sổ sách kế toán của một số DN Việt Nam nói chung và các DN thép nói riêng còn chưa chuyên nghiệp, có những điểm chưa tương đồng với chuẩn mực quốc tế, do đó trong quá trình kháng kiện, DN Việt Nam còn gặp nhiều bất lợi. Hơn nữa, một vụ việc bị áp thuế thường sẽ tạo tiền lệ xấu cho các vụ việc sau, thậm chí một số nước sử dụng các quyết định áp thuế của các nước khác đối với một sản phẩm để làm cơ sở khởi xướng, điều tra với cùng sản phẩm đó…
Cần sự phối hợp của nhiều bên
Theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM, trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia vào các FTA, do kim ngạch XK của Việt Nam tăng nhanh. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác kháng kiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và hiệp hội, DN, thậm chí là cả đối tác nhập khẩu. Cụ thể, Cục PVTM cho rằng, nên tập trung vào 5 giải pháp mấu chốt, bao gồm:
Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về PVTM. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động cung cấp thông tin để các DN nâng cao kiến thức, không bị động khi vụ việc xảy ra. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin, cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho DN XK có giải pháp phòng ngừa vụ việc. Công tác phối hợp giữa các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, với hiệp hội, ngành hàng cũng sẽ được đẩy mạnh.
Thứ hai, trong trường hợp có vụ kiện PVTM xảy ra, điều quan trọng nhất là DN cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi. Hơn nữa, DN cũng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.
Thứ ba, Cục PVTM khuyến nghị các DN XK trong quá trình XK phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu, kể cả là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như: Rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc, hoặc đề nghị nhà nhập khẩu bình luận, bày tỏ ý kiến được cơ quan điều tra xem xét…
Thứ tư, DN cũng cần cần đa dạng hóa thị trường XK, đa dạng hóa sản phẩm XK, tránh XK quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế, đặc biệt khi bị áp thuế cao DN sẽ có thể mất thị trường XK.
Cuối cùng, Cục PVTM đặc biệt khuyến nghị các DN XK nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa trong hệ thống sổ sách kế toán của các DN, dần tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế, quản trị hệ thống sổ sách trên phần mềm quản lý hệ thống để tránh sai lệch trong số liệu, đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn nữa.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối các bộ ngành và hiệp hội liên quan, trong đó có Hiệp hội Thép để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, nhằm hỗ trợ cho DN Việt Nam ứng phó kịp thời với các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho DN trong nước.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Đảng ủy Bộ Công Thương và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đã đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
-
Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, Thường trực Chính phủ triệu tập cuộc họp gấp với các địa phương để đánh giá công tác triển khai, kết quả, những điểm chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó thống nhất về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp.
-
Phát biểu tại phiên họp tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV chiều ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Quốc hội Hải Phòng bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,
-
Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp trực tuyến với 6 địa phương khu vực Nam Sông Hậu, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì.