Trung Quốc tạm dừng nhập xoài Cao Lãnh
Liên quan đến việc xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) bị làm giả xuất xứ, mạo danh mã số vùng trồng khiến phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) vừa xác nhận có sự việc đáng tiếc này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cụ thể, ông Nguyễn Quang Hiếu cho hay, từ khoảng tháng 6/2020, phía Hải quan Trung Quốc phát hiện khoảng 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu hại, trong đó nhiều lô gắn mã số vùng trồng của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, Cao Lãnh. Tuy nhiên, thời điểm đó, Hợp tác xã Mỹ Xương đã hết vụ xoài.
Vụ việc này đã xảy ra một thời gian, chủ yếu do các nhà xuất khẩu Việt Nam mượn mã của nhau.
Ngoài ra, do nhà nhập khẩu xin giấy phép nhập khẩu thì sử dụng các mã được công nhận ghi trên giấy phép, khi xuất khẩu họ cũng yêu cầu phải ghi mã số mà họ đã cung cấp. Nhiều doanh nghiệp vì thế đã mạo danh mã số vùng trồng xoài Cao Lãnh của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương.
"Khi xảy ra vụ việc, xoài Cao Lãnh đã hết vụ nên trước mắt không ảnh hưởng nhiều, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm", ông Hiếu nhấn mạnh.
Về việc quản lý mã số vùng trồng, ông Hiếu nêu rõ, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với địa phương kiểm soát cấp mã số vùng trồng, đồng thời cung cấp thông tin cho Hải quan Trung Quốc về các mã số vùng trồng đó. Việc quản lý mã số vùng trồng chủ yếu là trách nhiệm của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật trên cơ sở đề nghị của địa phương cấp mã số vùng trồng.
"Hiện, Trung Quốc áp dụng quy định kiểm soát nhập khẩu thông qua mã số vùng trồng nên các địa phương cần có sự phối hợp với ngành chức năng quản lý hiệu quả, có biện pháp giám sát chặt chẽ", ông Hiếu nhấn mạnh.
Hiện nay chưa có chế tài xử phạt hành chính cho hành vi vi phạm mã số vùng trồng, chỉ có biện pháp tạm treo mã số đó. Trước mắt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc với Hải quan Trung Quốc để làm rõ sự việc này, hướng đến gỡ lệnh tạm dừng xuất khẩu với mã số này.
Liên quan tới câu chuyện xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nêu rõ, tháng 5/2018, phía Trung Quốc đã bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng.
Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc.
Hiện nay, với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.
Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, phía Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo tất cả các tỉnh, đừng nghĩ cấp xong là xong.
Để ngành trái cây Việt tránh rơi vào thế bị động khi giao thương với thị trường Trung Quốc, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, việc phải làm là tiếp tục rà soát những diện tích đã cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách cho bà con nông dân liên kết thành từng nhóm, tổ, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa không chỉ bán cho Trung Quốc mà còn bán cho các nước phát triển...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trị giá xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu năm với 59,4% thị phần. Trị giá xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong nửa đầu năm đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: Báo Hải quan
Link nguồn
-
Tổng cục Hải quan đã phân loại mặt hàng gỗ ghép thanh vào mã HS 44.18 với mức thuế xuất khẩu 0%; thông báo thay thế Văn bản 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020 sau khi xem xét kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, ngành liên quan.
-
7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
-
Do áp lực kinh tế và sinh kế, phần lớn các quốc gia đã chuyển sang tình trạng “bình thường mới”- vừa khôi phục kinh tế vừa chống dịch. Sản xuất công nghiệp trên thế giớido đó đã khởi sắc trong tháng 6 và tháng 7/2020.
-
Chiều 13/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội có cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương về hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thủ đô.