VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, GDP quý I/2020 của Việt Nam ước tăng 3,82%

31/03/2020 08:30

(VITIC-DNTM) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 
Tốc độ tăng GDP quý I các năm 2016 - 2020. Nguồn: TCTK

 Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, quý đầu năm nay, kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu dẫn đến Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.
 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mức 2,9% của năm 2019 và cho rằng khó dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm sâu đến mức nào trong năm 2020. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hạ mức dự báo thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 11/2019, xuống còn 2,4% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008-2009.
 
Trong nước, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay; khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.
 
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).
 
Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.
 
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp
 
Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2020 (%). Nguồn: TCTK
 
Khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020[4]; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.
 
Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 đạt 5,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp tăng 5,28%, nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12%, cùng với đó là ngành khai khoáng giảm 3,18% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.
 
Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2020 tăng 24,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 15,6%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2020 đạt 78,4% (cùng kỳ năm trước là 72,9%).
 

VITIC-DNTM

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.113.272