VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Triển vọng phát triển ngành da giày trong năm 2022

02/02/2022 09:11

Dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi như trước dịch song ngành da giày Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong năm 2022


Ngành da giày Việt cần chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của đợt dịch lần thứ 4, song chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày vẫn tăng 5,2% so với năm 2020. Bước sang năm 2022, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan trong tháng đầu năm giảm 0,5% so với tháng trước song tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng giầy, dép da ước đạt 23,2 triệu đôi, giảm 5% so với tháng trước nhưng so cùng kỳ năm 2021 tăng 0,4%.
 

Bảng 1: Tình hình sản xuất một số chủng loại giày dép (ĐVT: 1000 đôi)

Tên sản phẩm

Tháng 01/2022

So với T12/2021 (%)

So với T01/2021 (%)

Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da

21.772

5,29

-9,66

Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic

39.653

9,62

30,64

Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài

43.383

-0,53

-12,08

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện đơn hàng ít nhất đã có đến hết quý II/2022 và 80% lao động đã quay trở lại làm việc. Xuất khẩu tháng 01/ 2022 đạt 95% so với cùng kỳ năm trước.Lefaso dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày-– túi xách sẽ tăng 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD.

Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp da giày Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. Điển hình là việc hai thương hiệu lớn Nike và Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam ngay từ đầu năm 2022. Hiện trên 50% sản lượng giày dép toàn cầu của Nike và 40% sản lượng của Adidas được sản xuất ở Việt Nam.

Việc các thương hiệu lớn vẫn chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất có nhiều nguyên do, trong đó hấp dẫn nhất là giá lao động cạnh tranh, dịch bệnh được kiểm soát tốt với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao. Cùng đó là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài rất mở, chính trị ổn định… Dù vậy, việc tận dụng cơ hội từ các thương hiệu lớn để gia tăng xuất khẩu là việc không dễ dàng.Các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững đang là thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, những năm gần đây, tỷ lệ nội địa hoá của ngành da giày Việt Nam đã tăng lên, tuy nhiên để tham gia được vào phân khúc cao hơn gia công của các thương hiệu lớn thì chưa làm được. Chưa kể, doanh nghiệp trong ngành mới chủ động được nguyên liệu cho các sản phẩm tầm trung, sản phẩm cao cấp vẫn phải nhập khẩu. Đây là lý do khiến da giày Việt Nam tuy xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị gia tăng không cao.

Năm 2022, giá đơn hàng được dự báo không tăng, trong khi mọi chí phí đầu vào, chi phí logistcs vẫn tăng cao từ năm trước và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù, nhà nhập khẩu đồng ý chia sẻ chi phí, nhưng với giá đơn hàng không tăng, chi phí cao, lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ là ít ỏi.Để tháo gỡ khó khăn này, Lefaso đề nghị các Bộ, ngành sớm phối hợp tìm giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics. Bởi các nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ hơn, vừa để hạn chế chi phí, vừa tránh rủi ro đứt gẫy chuỗi cung ứng như đã từng xảy ra.

Cũng theo Lefaso, hiện hệ thống sản xuất của ngành da giày tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc có Hải Phòng, Hải Dương dư địa không còn nên cần phải có chiến lược phát triển vùng phù hợp. Theo đó, có thể dịch chuyển sản xuất về khu vực miền Trung và các tỉnh Trung du là những nơi có lợi thế về lao động.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics như cảng biển, hệ thống đường bộ tốt để lưu thông, đẩy mạnh xuất khẩu. Thêm nữa, cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Rà soát những chính sách bất cập hạn chế, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hệ thống hải quan để thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn.Đầu tư phát triển thiết kế mẫu mã, nguyên liệu mới.

Xu hướng toàn cầu hiện hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sản xuất sạch. Do vậy, trong chuỗi sản xuất doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để giảm thải khí Co2.

Các doanh nghiệp đang mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành sớm hướng dẫn thực hiện gói phục hồi và phát triển kinh tế được ban hành theo Nghị quyết số 43/NQ-QH15. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp một số vướng mắc liên quan đến Nghị định 18/2021/NĐ-CP về Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Cụ thể, theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu cũng được miễn thuế nhập khẩu khi doanh nghiệp nhập khẩu có thuê gia công lại. Tuy nhiên, việc miễn thuế nhập khẩu chỉ được cho phép nếu người nhập khẩu chỉ thuê gia công lại một phần lượng nguyên liệu nhập khẩu hoặc một/một số công đoạn đoạn sản xuất, đồng thời phải tuân thủ các thủ tục hải quan liên quan. Điều này sẽ gây khó cho doanh nghiệp vì rất nhiều đơn vị phải thuê gia công ngoài. Song các xưởng gia công thường ở địa phương nên khó lòng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ngành hải quan.Đối với vấn đề này, Lefaso cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục, chuyển đổi số trong sản xuất… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong năm 2022, Lefaso sẽ tham gia các hoạt động tham vấn, góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 có thể được kiểm soát nhờ phổ biến tiêm chủng vắc xin Covid-19; thường xuyên cập nhật và nâng cấp cơ sở dữ liệu về ngành da giày trên Cổng thông tin điện tử da giày; đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển CNHT sản xuất nguyên phụ liệu da- giày nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững; tổ chức tốt các sự kiện xúc tiến thương mại, kết hợp hình thức trực tuyến: các hội thảo, đào tạo nâng cao năng lực quản lý sản xuất cho doanh nghiệp và tham dự các hội chợ nước ngoài theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với chất lượng cao; triển khai các hoạt động tuyên truyền và xây dựng các bộ tài liệu, sổ tay hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

 

Nguồn: Phòng TTCN

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.386.722