VITIC
Thị trường trong nước

Triển vọng phát triển ngành giày dép trong các tháng đầu năm 2024

05/03/2024 09:00

Sau dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép trong cả nước liên tục đón các đơn hàng quay trở lại. Đây được coi là tín hiệu rất tốt với các doanh nghiệp nội địa khi tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước. Sản xuất các sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao được xem là lợi thế giúp doanh nghiệp Việt có thêm nhiều đơn hàng mới.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép trong năm 2023 đạt 20,23 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022; tính riêng trong tháng 01/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,97 tỷ USD, tăng mạnh 43,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, 5 thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp giày dép Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, những thị trường nổi tiếng với các quy định nhập khẩu rất nghiêm ngặt. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng từ các thị trường lớn chưa phục hồi đáng kể, tuy nhiên lượng đơn xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Trung Đông, châu Á… lại tăng nên đã bù đắp được phần thiếu hụt từ các thị trường truyền thống.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng thị trường mới, đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm làm cho đơn hàng thêm phong phú. Bên cạnh đó, để giữ chân đơn hàng từ các thị trường lớn, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang làm các đơn hàng lớn nhỏ khác nhau, đồng thời nỗ lực tìm kiếm khách hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Trong bối cảnh các doanh nghiệp cạnh tranh nhau để giành đơn hàng, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong năm 2024, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt là với những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh; điển hình như Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024); Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024….; đồng thời tiếp tục đổi mới và triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối, hợp tác với nhau, từ đó xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thế giới.

 

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.999.153