“Triển lãm quốc tế HCMC Foodex 2024” thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà mua hàng quốc tế tham gia
Diễn ra từ ngày 15/5 – 18/5, Triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh 2024 (HCMC Foodex 2024) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã được khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC.
Triển lãm được tổ chức với khẩu hiệu “Kết nối giá trị cùng phát triển” đã thu hút hơn 400 doanh nghiệp là những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước cùng nhiều đơn vị quốc tế tham gia.
Triển lãm có quy mô 500 gian hàng được trưng bày trên diện tích 8.000m2, tại đây các doanh nghiệp đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm dạng thô, sơ chế như nông sản, thủy hải sản, gia vị …. Ngoài hàng loạt các gian hàng như cà phê, trà sữa, bột làm bánh, thực phẩm chế biến… còn có hoạt động dùng thử miễn phí hoặc khuyến mãi, giảm giá nên thu hút đông khách tham quan. Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức cũng thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B (Business to business) giữa các doanh nghiệp với nhau.
Theo đó, đã có 03 phiên kết nối chính: Doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm với các đơn vị phân phối, siêu thị hiện đại; Doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm với các kênh thương mại điện tử; Doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm với các nhà mua hàng quốc tế. Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên đề được tổ chức song song nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin mới nhất về xu hướng trong sản xuất, tiêu dùng và định hướng thị trường xuất khẩu.
Quang cảnh triển lãm
Triển lãm được UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần giới thiệu tổng thể sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm của thành phố đến các doanh nghiệp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quảng bá các sản phẩm có chất lượng, các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành lương thực thực phẩm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác, xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, ngành lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố. Để ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực của cả nước, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành
Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030, với các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sản xuất cho ngành lương thực, thực phẩm. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 17/5/2024, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức họp báo thông tin về “Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024”. Theo đó, Lễ hội sẽ được diễn ra từ ngày 24-26/5, tại trục đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Ngày 15/5/2024, Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Đồng Tháp năm 2024 đã được diễn ra tại TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
-
Từ ngày 10 - 12/6/2024, Lễ hội trái cây Tiền Giang do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các loại trái cây đặc sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
-
Trong năm 2024, ngành gạo Việt Nam đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời tập trung khai thác tiềm năng từ các thị trường mới cho xuất khẩu gạo bởi đây là yêu cầu cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng gay gắt.