Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương kết nối tiêu thụ nông sản cho 18 tỉnh, thành phía Nam
Nông sản của 18 tỉnh, thành phía Nam sẽ được Viettel Post thu mua tiêu thụ qua các bưu cục và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò thông qua sự hỗ trợ kết nối của Tổ công tác đặc biệt phía Nam Bộ Công Thương với các Sở Công Thương địa phương.
Đây là nội dung thống nhất trong hội nghị trực tuyến kết nối nguồn hàng nông sản tại 18 tỉnh, thành phía Nam cho Viettel Post ngày 30/8. Hội nghị có sự tham gia của Tổ công tác đặc biệt phía Nam Bộ Công Thương, lãnh đạo 18 Sở Công Thương phía Nam và đại diện của Viettel Post tại các tỉnh, thành này.
Tổ công tác đặc biệt họp trực tuyến với lãnh đạo 18 tỉnh, thành phía Nam và Viettel Post
Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt, hiện nay nông sản cần tiêu thụ tại 18 tỉnh, thành phía Nam là rất lớn, trong khi đó nguồn hàng cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận lại đang thiếu hụt do ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Chính vì thế, thông qua hội nghị này, Tổ công tác muốn kết nối trực tiếp đơn vị phân phối, thu mua là Viettel Post với lãnh đạo các Sở Công Thương 18 tỉnh, thành.
Thông tin về kế hoạch cung ứng thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận cũng như các gói an sinh mà Viettel Post đang phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt triển khai, bà Cao Cẩm Linh - Giám đốc Chiến lược Viettel Post - cho biết: Hiện Viettel Post đang thu mua tất cả sản phẩm lương thực thiết yếu để cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang bị ảnh hưởng Covid-19.
Nhu cầu thu mua của chúng tôi rất lớn, nên đề nghị Sở Công Thương các tỉnh cung cấp thông tin, dữ liệu các mặt hàng thiết yếu trọng điểm tại địa bàn về sản lượng, giá cả, hình thức đóng gói theo đúng tiêu chuẩn và đầu mối các nhà cung cấp tại tỉnh”- bà Linh nói.
Ở thời điểm này, bà Linh cho hay, Sở Công Thương các tỉnh cần chủ trì định hướng các nhà cung cấp trên địa bàn về mức giá bán hỗ trợ đối với Viettel Post để đảm bảo được giá sản phẩm tốt nhất khi đến tay người dân TP. Hồ Chí Minh.
Nêu cụ thể mặt hàng cần tiêu thụ, ông Trần Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết: Vĩnh Long đang cần tiêu thụ 27.000 tấn khoai lang tím, ngoài ra tỉnh có nhiều nông sản khác nên sẽ tham gia cung cấp các sản phẩm đầu vào cho túi an sinh Viettel Post đang thực hiện để hỗ trợ người nông dân. Về giá cả, sản lượng, tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật cho Viettel Post.
Tương tự bà Châu Thị Lệ - Phó giám đốc Sở Công Thương Long An khẳng định, sẵn sàng phối hợp cung cấp một số thông tin sản phẩm đưa lên sàn Vỏ Sò và hi vọng Viettel Post tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Long An trong thời gian tới. Ngoài tiêu thụ nội địa, bà Lệ cho biết hiện thanh long của Long An có đầu ra ổn định tại Trung Quốc. Tuy nhiên khi vận chuyển qua các cửa khẩu khó khăn, thêm đó giá vận tải xe lạnh từ phía Nam ra phía Bắc rất cao và không tìm được xe.
Với tỉnh Đồng Tháp, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thông tin: Hiện tỉnh còn một số loại nông sản đang có số lượng thu hoạch rất lớn nhưng tiêu thụ chậm. Đơn cử, tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò đang vào mùa thu hoạch khoai môn, nhưng do khu vực đang phong tỏa nên khó khăn tìm đầu ra...
“Đồng Tháp đang có 253 hộ sản xuất có hàng hóa kinh doanh hiệu quả qua sàn Vỏ Sò của Viettel Post nên chúng tôi kỳ vọng sắp tới sự vào quộc quyết liệt của doanh nghiệp sẽ giúp nông sản tỉnh có đầu ra ổn định hơn”- bà Thủy cho biết.
Trong khi đó, TP. Cần Thơ đang có lượng lớn cá tra đến vụ thu hoạch nhưng ùn ứ, rớt giá, ông Trần Hải Long - Phó giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ khẳng định: Nếu có sự hỗ trợ từ Viettel Post, Cần Thơ sẵn sàng cung ứng hàng hóa đến các điểm đầu mối kịp thời.
Theo đại diện Tổ công tác đặc biệt, qua hội nghị hôm nay Tổ công tác muốn giới thiệu đầu mối hàng hóa cho gói an sinh mà Viettel Post đang thực hiện. Tuy vậy Viettel Post cần dự trù được khối lượng mua để gửi cho các tỉnh, thành nắm được và lên kế hoạch cung ứng.
“Để kết nối cho hợp lý, Viettel Post cần đưa những hạng mục gửi xuống cho các tỉnh; đồng thời Sở Công Thương các tỉnh cũng đưa nhưng gì mình có cho Viettel Post để 2 bên dễ dàng phối hợp thực hiện”- Đại diện Tổ công tác đặc biệt nhấn mạnh.
Đối với khó khăn về xe lạnh của Long An, Tổ công tác cho biết sẽ liên hệ Hiệp hội vận tải hỗ trợ. Về khâu vận chuyển, các chỉ cần bỏ hàng vào container lạnh để đưa hàng lên biên giới, Hiệp hội doanh nghiệp logistics, Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong vấn đề này. Tổ công tác nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Tuy nhiên, Tổ công tác đặc biệt cũng lưu ý, các doanh nghiệp nên xuất khẩu qua kênh chính ngạch, tránh đi tiểu ngạch để giảm thiểu rủi ro, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
“Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoan nghênh Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc, xác minh thông tin liên quan đến hai sản phẩm này, kiểm tra làm rõ, xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
-
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương đã tháp tùng Thủ tướng và tham gia Đoàn Công tác của Chính phủ làm việc tại một số tỉnh thành phía Nam về công tác phòng chống dịch bệnh, cung ứng và lưu thông hàng hóa, đảm bảo đời sống cho người dân.
-
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.
-
Ngày 27 tháng 8 năm 2021, chính quyền Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu phụ Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam) từ 18 giờ 00 ngày 26 tháng 8 năm 2021 để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19