VITIC
Xuất nhập khẩu

Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 3 và 3 tháng năm 2024

06/05/2024 08:45

- Xem thêm xuất nhập khẩu Nông sản tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Gạo tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Dầu ăn tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Thuỷ sản tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Phân bón tại đây;
- Xem th
êm xuất nhập khẩu
mặt hàng Sắt thép tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ tại đây;
- Xem thêm
t
hị trường logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam và thế giới quý I năm 2024: diễn biến và dự báo tại đây;



1. Đánh giá chung

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3/2024 đạt 64,54 tỷ USD, tăng mạnh 34,5% so với tháng trước, tương ứng tăng 16,55 tỷ USD.  Trong đó, xuất khẩu là 33,66 tỷ USD, tăng 36,4%, tương ứng tăng 8,97 tỷ USD và nhập khẩu là 30,88 tỷ USD, tăng 32,5%, tương ứng tăng 7,58 tỷ USD so với tháng trước.

Lũy kế trong quý I/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 177,96 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 23,97 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt đạt 92,88 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 13,33 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 85,08 tỷ USD, tăng 14%, tương ứng tăng 10,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 3/2024 thặng dư 2,78 tỷ USD, qua đó nâng mức thặng dư trong quý I/2024 lên 7,8 tỷ USD.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý I năm nay là 121,49 tỷ USD, tăng 12,8% (tương ứng tăng tới 13,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt 67,17 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng  8,1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 54,32 tỷ USD, tăng 11,6%, tương ứng tăng 5,7 tỷ USD.

Ngược lại, khối doanh nghiệp trong nước đạt trị giá 56,47 tỷ USD trong quý I/2024, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 10,04 tỷ USD.

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 25,71 tỷ USD, tăng mạnh 25,7% tương ứng tăng 5,25 tỷ USD so với quý I/2023. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm hàng nông sản tăng 35,9% tương ứng tăng 1,4 tỷ USD; máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng gấp 2,5 lần tương ứng tăng 821 triệu USD.

Trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 30,75 tỷ USD, tăng 18,5% tương ứng tăng 4,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, tăng 34,7% tương ứng tăng 959 triệu USD.

Biểu đồ 1: Trị giá xuất nhập khẩu doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước quý I giai đoạn 2014-2024
 


 

2. Thị trường xuất nhập khẩu

Thị trường xuất khẩu: trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu của 10 thị trường lớn nhất đều tăng, trong đó đóng góp lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ tăng 5,02 tỷ USD; tiếp theo là EU (27 nước) tăng 1,8 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,2 tỷ USD; Hồng Kông tăng 1,02 tỷ USD; ASEAN tăng 0,98 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 0,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, trị giá xuất khẩu trong quý I/2024 của 6 thị trường này đã tăng tới 10,52 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

 

Biểu đồ 2 : 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam quý I/2023 và quý I/2024

- Hoa Kỳ: trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong quý I/2024 đạt 25,77 tỷ USD, tăng tới 24,2%, tương ứng tăng 5,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đóng góp lớn nhất cho tăng trị giá xuất khẩu của Việt Nam và có mức tăng tuyệt đối cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay.

- EU(27 nước): là khối thị trường có đóng góp lớn thứ hai vào tăng trị giá xuất khẩu của nước ta, vượt qua cả Trung Quốc và ASEAN. Trong quý I/2024, xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

- Trung Quốc: trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,11 tỷ USD, tăng 10%, tương ứng tăng 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

- ASEAN: xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong quý I/2024 là 9,03 tỷ USD, tăng 12,1%, tương ứng tăng 0,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

- Hồng Kông: xuất khẩu sang Hồng Kông trong quý I/2024 có tốc độ tăng cao nhất trong tất cả các thị trường chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, trị giá xuất khẩu sang thị trường này trong quý I/2024 đạt 2,94 tỷ USD, tăng 53,7%, tương ứng tăng 1,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Hồng Kông tăng cao, nguyên nhân chính do xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,02 tỷ USD, tăng cao tới 105% (tương ứng tăng 1,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nhập khẩu: hàng hóa nhập khẩu từ 10 thị trường chủ lực trong quý I/2024 đều tăng (trừ thị trường Ôxtrâylia), đặc biệt nhập khẩu hàng có xuất xứ từ Trung Quốc tăng mạnh.

 

Biểu đồ 3: 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam quý I/2023 và qúy II/2024

- Trung Quốc: trong quý I/2024, tổng trị giá nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là 30,52 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 29,3%, tương ứng tăng 6,91 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc có đóng góp lớn nhất (chiếm tới 66%) vào tăng trị giá nhập khẩu của cả nước.

- Hàn Quốc: trị giá nhập khẩu từ Hàn Quốc trong quý I/2024 đạt 12,55 tỷ USD, tăng 2,2%, tương ứng tăng 0,26 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2024 từ nhiều thị trường chủ lực khác đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường ASEAN là 11,23 tỷ USD, tăng 11,3%; từ Nhật Bản với 5,5 tỷ USD, tăng 4,1%; từ thị trường Đài Loan với 4,91 tỷ USD, tăng 7,3%; EU (27 nước) với 3,73 tỷ USD, tăng 11,7%.

3. Xuất khẩu hàng hóa

Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 33,66 tỷ USD, tăng 36,4% so với tháng trước. Trong đó, có tới 43/45 nhóm hàng chính tăng và đặc biệt có tới 36 nhóm hàng tăng trên 30% so với tháng trước.

Quy mô hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong tháng đã tăng tới 8,97 tỷ USD so với tháng trước, trong đó tăng mạnh ở các nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 36,1%, tương ứng tăng 1,68 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 34%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD; hàng dệt may tăng 31,7%, tương ứng tăng 641 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 69,4%, tương ứng tăng 532 triệu USD; gạo tăng 90,1%, tương ứng tăng 336 triệu USD…

Bên cạnh đó, xuất khẩu xăng dầu các loại và phân bón các loại lại giảm so với tháng trước. Cụ thể, xuất khẩu xăng dầu các loại giảm 13,2% về lượng và giảm 11,7% về trị giá; xuất khẩu phân bón các loại giảm 13,4% về lượng và giảm 13,5% về trị giá.

Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2024 đạt 92,88 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng tới 13,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

 

Biểu đồ 4: 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2023 và quý I/2024

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính

Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 3/2024 là 4,7 tỷ USD, nâng mức trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2024 lên 14,22 tỷ USD, tăng 5,9%, tương ứng tăng tới 798 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ là 3,06 tỷ USD, tăng 30,4%; Trung Quốc là 2,52 tỷ USD, giảm 28,4% và EU (27 nước) là 2,12 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 3/2024 đạt 6,34 tỷ USD, tăng 36,1% so với tháng trước. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong quý I/2024 đạt 16,33 tỷ USD, chiếm tới 18% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 35,7% (tương ứng tăng 4,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong quý I/2024 chủ yếu sang các thị trường như Hoa Kỳ với 5,04 tỷ USD, tăng 41,8%; Trung Quốc với 3,11 tỷ USD, tăng 29,3%; Hồng Kông với 2,02 tỷ USD, tăng 105%; Hàn Quốc với 1,53 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 3/2024 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 34% so với tháng trước. Tính trong quý I/2024 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 10,94 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong quý I/2024 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 4,21 tỷ USD, tăng 5,6%; EU(27) với 1,67 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc với 750 triệu USD, tăng 15,3%; Trung Quốc với 729 triệu USD, tăng 4%... so với cùng kỳ năm trước.

Hàng dệt may: Tháng 3/2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 2,66 tỷ USD, tăng 31,7% so với tháng trước. Tính trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 7,82 tỷ USD, tăng 8,8% (tương ứng tăng 631 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2024, xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 3,29 tỷ USD, tăng 8,1%; Nhật Bản đạt 958 triệu USD, tăng 11,4%; EU (27 nước) đạt 821 triệu USD, tăng 3%; Hàn Quốc đạt 802 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giày dép các loại: Trị giá xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 3/2024 là 1,64 tỷ USD, tăng 39,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung quý I/2024, xuất khẩu giày dép các loại là 4,79 tỷ USD, tăng 10,4% (tương ứng tăng 452 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 1,71 tỷ USD, tăng 20,3%; EU (27 nước) là 1,2 tỷ USD, tăng 11,5%; Trung Quốc là 449 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Trị giá xuất khẩu trong tháng 3/2024 đạt tới 1,3 tỷ USD, tăng mạnh 69,4% so với tháng trước. Tính chung trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,54 tỷ USD, tăng mạnh 25,4% (tương ứng tăng 716 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Quý I/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 1,89 tỷ USD, tăng mạnh 36,4% (tương ứng tăng 505 triệu USD) và chiếm 53% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Phương tiện vận tải và phụ tùng: Trị giá xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng trong tháng 3/2024 đạt 1,36 tỷ USD, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2024 của nhóm hàng này đạt 3,66 tỷ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 508 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 765 triệu USD, tăng 38,6%; sang Nhật Bản là 719 triệu USD, tăng 8,6%; sang ASEAN là 508 triệu USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Máy ảnh máy quay phim và linh kiện: Trị giá xuất khẩu máy ảnh máy quay phim và linh kiện trong tháng 3/2024 đạt 762 triệu USD, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2024 của nhóm hàng này đạt 2,2 tỷ USD, tăng 72,9% (tương ứng tăng 928 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 1,42 tỷ USD, tăng 120%; sang Hoa Kỳ là 234 triệu USD, tăng 50,9%; Hàn Quốc là 133 triệu USD, tăng 9,3%...so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại: Lượng sắt thép xuất khẩu trong tháng 3/2024 là 1,1 triệu tấn, tăng 10,4% và trị giá đạt 835 triệu USD, tăng 11,4% so với tháng trước. Như vậy, lượng sắt thép xuất khẩu trong quý I/2024 đã cán mốc 3,23 triệu tấn, tăng cao tới 42% và trị giá đạt 2,39 tỷ USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 1,1 triệu tấn, tăng 120%; ASEAN đạt 813 nghìn tấn, giảm 13,3%; Hoa Kỳ đạt 463 nghìn tấn, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng thủy sản: Tháng 3/2024, xuất khẩu thủy sản là 742 triệu USD, tăng mạnh 61,5% so với tháng trước. Tính chung quý I/2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam là 1,95 tỷ USD, tăng 6,5% (tương ứng tăng 118 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hàng thủy sản trong quý I/2024 sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ là 323 triệu USD, tăng 14,3%; Nhật Bản là 322 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước; Trung Quốc là 272 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

4. Nhập khẩu hàng hóa

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3/2024 đạt 30,88 tỷ USD, tăng mạnh 32,5%, tương ứng tăng 7,58 tỷ USD so với tháng trước.

Trong tháng 3/2024, có tới 50/53 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực tăng so với tháng trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng như máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,7%, tương ứng tăng 1,32 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 45,5%, tương ứng tăng 1,17 tỷ USD; vải các loại tăng 50,8%, tương ứng tăng 402 triệu USD; hạt điều tăng gấp 4 lần tương ứng tăng 379 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 50,8%, tương ứng tăng 321 triệu USD…

Trong quý I/2024, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 85,08 tỷ USD với 16 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD.

Kết thúc quý I/2024, Việt Nam đã ghi nhận 16/53 nhóm hàng đạt trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt trên 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24,04 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 10,34 tỷ USD.

Tính chung, trị giá nhập khẩu của 16 nhóm hàng trên 1 tỷ USD trong quý I/2024 đạt 63,12 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 74,2% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

 

Biểu đồ 5: 10 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý I/2023 và quý I/2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

(Ghi chú: Nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày gồm 4 nhóm hàng Bông các loại; Vải các loại; Xơ sợi dệt các loại; nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày. Hàng nông sản gồm 6 nhóm hàng là hàng rau quả, hạt điều, lúa mì, ngô, đậu tương, cao su )

Quy mô nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2024 tăng 10,46 tỷ USD với cùng kỳ năm trước nhờ sự đóng góp của nhiều nhóm hàng chủ lực. Trong đó, dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,67 tỷ USD; đứng thứ hai là nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 1,15 tỷ USD; đứng thứ ba là nhập khẩu nhóm hàng sắt thép và sản phẩm sắt thép tăng 838 triệu USD. Tiếp theo là nhập khẩu nhóm hàng nhiên liệu (bao gồm than đá, dầu thô và xăng dầu các loại) tăng 791 triệu USD; nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày tăng 565 triệu USD.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 3 đạt 8,41 tỷ USD, tăng 18,7% tương ứng tăng 1,32 tỷ USD so với tháng trước.

Trong quý I/2024, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24,04 tỷ USD, tăng 24,1% tương ứng tăng 4,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Bốn thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong quý I/2024 là Trung Quốc với 7,49 tỷ USD, tăng 50,3%; Hàn Quốc với 6,95 tỷ USD, tăng 9,6%; Đài Loan với 2,82 tỷ USD, tăng 13,9% và Nhật Bản với 2,07 tỷ USD, tăng 18,6%. Tính chung, tổng trị giá nhập khẩu từ 4 thị trường này đạt 19,35 tỷ USD, chiếm tới 81% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Trị giá nhập khẩu trong tháng 3 đạt 3,76 tỷ USD, tăng 45,5% tương ứng tăng 1,17 tỷ USD so với tháng 2.
Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong quý I/2024 đạt 10,34 tỷ USD, tăng 12,5% tương ứng tăng 1,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chỉ thấp hơn 323 triệu USD so với mức kỷ lục của quý I năm 2022.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng về Việt Nam trong quý I/2024 từ thị trường Trung Quốc là 5,87 tỷ USD, tăng mạnh 30%; tiếp theo từ thị trường Hàn Quốc là 1,27 tỷ USD, giảm 9,5%; từ thị trường Nhật Bản là 937 triệu USD, giảm 8,4%. Tính chung; nhập khẩu nhóm hàng này từ 3 thị trường chủ lực đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 78% trong tổng trị giá nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng của cả nước.

Nhóm hàng nhiên liệu (bao gồm than đá, dầu thô, xăng dầu các loại và khí đốt hóa lỏng): Lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 7,83 triệu tấn, tăng 29,8% với trị giá đạt 2,38 tỷ USD tăng 24,1%, tương ứng tăng 462 triệu USD so với tháng trước.

 Trong  quý I/2024, Việt Nam đã nhập khẩu tới 21,3 triệu tấn nhiên liệu, với trị giá là 6,59 tỷ USD, tăng 50% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng than các loại nhập khẩu đạt 14,68 triệu tấn, tăng 76% và lượng dầu thô nhập khẩu đạt 3,34 triệu tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu nhóm hàng xăng dầu các loại trong quý I/2024 chỉ đạt 2,56 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm tỷ trọng chủ yếu (43%) là mặt hàng Diesel với lượng nhập khẩu trong  quý I đạt 1,11 triệu tấn, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày: trong tháng 3, nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 2,27 tỷ USD, tăng 52,6%, tương ứng tăng 783 triệu USD so với tháng trước.

Trong quý I/2024, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 6,01 tỷ USD, tăng 10,4% (tương ứng tăng 565 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vải các loại đạt 3,16 tỷ USD, tăng 5,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 1,55 tỷ USD, tăng 12,2%; bông các loại đạt 730 triệu USD, tăng 26,8%; xơ sợi dệt các loại đạt 574 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong quý I/2024 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 3,20 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước

Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm: Tháng 3/2024, trị giá nhập khẩu nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm đạt 1,64 tỷ USD, tăng 47,3% tương ứng tăng 527 triệu USD so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm lên 4,41 tỷ USD, tăng 11,6% tương ứng tăng 460 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc đạt 1,71 tỷ USD, tăng 25,8% tương ứng tăng 351 triệu USD; Hàn Quốc đạt 902 triệu USD, tăng 13,7% tương ứng tăng 109 triệu USD; Đài Loan đạt 335 triệu USD, tăng 4,9% tương ứng tăng 16 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023.

Sắt thép các loại và sản phẩm: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 3 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 31,4% tương ứng tăng 364 triệu USD so với tháng 2/2024.

Trong quý I/2024, nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm đạt 4,28 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 4,1 triệu tấn với trị giá là 2,93 tỷ USD, tăng 49,6% về lượng và tăng 29,1% về trị giá.

Nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm trong quý I/2024 chủ yếu từ Trung Quốc với trị giá đạt 2,68 tỷ USD, tăng cao 50,7% (tương ứng tăng 901 triệu USD) so với quý I/2023 và chiếm 63% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

 

Biểu đồ 6: Nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc quý I giai đoạn 2020-2024

Ô tô nguyên chiếc các loại: So với tháng trước, lượng ô tô nguyên chiếc đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu trong tháng 3/2024 đạt 15.860 chiếc, tăng 64,4%, với trị giá đạt 330 triệu USD, tăng 62,3% (tương ứng tăng 127 triệu USD).

Nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc các loại đạt bình quân 10.757 chiếc/tháng trong 3 tháng đầu năm 2024. Tính chung, trong quý I/2024, Việt Nam nhập khẩu 32.272 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 26.655 chiếc, chiếm tới 83% tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong quý I/2024 chủ yếu có xuất xứ từ In-đô-nê-xia, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ In-đô-nê-xia với 14.762 chiếc, giảm 2,4%; nhập khẩu từ Thái Lan là 10.420 chiếc, giảm 50,5% và nhập khẩu từ Trung Quốc với 5.821 chiếc, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến Bài Phân tích Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3 và 3 tháng năm 2024 sẽ được phổ biến từ ngày 19/4/2024.

 

TỔNG QUAN SỐ LIỆU THỐNG KÊ HẢI QUAN
VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ THÁNG 3 VÀ 3 THÁNG 2024


 

Nguồn: Tổng Cục Hải quan
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tại Algeria
    ​Vào ngày 24-29/6/2024, Hội chợ quốc tế Alger lần thứ 55 (FIA 55) sẽ được tổ chức tại Cung Hội chợ Triển lãm Pins Maritimes, thủ đô Alger (Algieria). Đây là sự kiện thương mại đa ngành lớn nhất Algeria với diện tích gian hàng dự kiến lên tới 25.000 m2 và 638 nhà trưng bày, trong đó một nửa dành cho các doanh nghiệp nước ngoài đến từ 30 nước.
  • Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà với các doanh nghiệp nước ngoài
    ​Vào ngày 9/5/2024, Sở Công Thương Hải Dương sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua từ nước ngoài với gần 50 điểm cầu trong và ngoài nước.
  • Gần 55.800 tấn nông sản được thông quan qua Lạng Sơn
    Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn diễn ra ổn định và thông suốt dịp lễ 30/4 - 1/5.
  • Thương mại song phương Việt Nam – Tây Ban Nha liên tục tăng trưởng tích cực qua từng năm
    Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi đầy phức tạp, việc nắm bắt và thúc đẩy mối quan hệ thương mại với các nước thuộc Liên minh châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng là một những chiến lược quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu đối với nước ta.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.057.327