VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Tình hình tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục chuyển biến tích cực

08/08/2023 16:48

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tình hình tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 07 tháng đầu năm, tạo đà cho quý III và cả năm.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn

Phiên họp diễn ra ngày 05/8/2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của các địa phương gửi đến các đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc tại địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công thành viên chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 07 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023; kết quả xử lý kiến nghị của địa phương theo Quyết định 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 7 và 07 tháng cơ bản ổn định. Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, giải quyết được căn bản một số vấn đề tồn đọng trước đây của nền kinh tế; chủ động giải quyết, ứng phó những vấn đề mới phát sinh, bộc lộ rõ nét hơn trước các thách thức từ bên ngoài, nhất là từ cuối năm 2022 và trong những tháng đầu năm 2023, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; làm tốt công tác an sinh xã hội; khẩn trương, quyết liệt cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển trong trung và dài hạn.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm (khoảng 1% so với cuối năm 2022); tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu NSNN 07 tháng ước đạt 62,7% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, tính chung 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ (05 tháng giảm 0,8%, 06 tháng tăng 0,5%). Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 37,85% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (34,47%) với số tuyệt đối cao hơn gần 81 nghìn tỷ đồng. 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá; diện tích gieo trồng lúa mùa và sản lượng gạo tăng, tranh thủ được cơ hội về giá và thị trường xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước; chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng nhanh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 07 tháng tăng 10,4% (loại trừ yếu tố giá tăng 9,6%); khách quốc tế đến nước ta 07 tháng đạt trên 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước.

Tình hình doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 7, có khoảng 20,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả doanh thu, lợi nhuận quý II của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, xây dựng... cải thiện hơn so với quý I.

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, đã tạo chuyển biến tích cực về dòng tiền, nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư. Tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh, bộc lộ rõ nét từ cuối năm trước; đã tháo gỡ về mặt pháp lý, trong tháng 7 đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm ổn định, phát triển bền vững thị trường; xử lý vấn đề tồn đọng về cấp giấy chứng nhận, nộp tiền sử dụng đất, giao đất… để đẩy nhanh tiến độ cấp phép mới, triển khai và hoàn thành nhiều dự án bất động sản; điều hành giảm mặt bằng lãi suất huy động phù hợp với diễn biến lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tháo gỡ căn bản vướng mắc pháp lý trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; rà soát, sửa đổi quy định phòng cháy, chữa cháy không phù hợp với thực tiễn…

Đồng thời, tập trung tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới bộc lộ, phát sinh trong những tháng đầu năm; đã ban hành các chính sách giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng… hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu tư ngoài thuế trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu;… 

Tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Nỗ lực hơn nữa để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kết quả đạt được có xu hướng cải thiện qua từng tháng. Tuy nhiên, do bối cảnh khó khăn chung của thế giới và khu vực, tình hình khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn. Kết quả chung 7 tháng tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài bởi các khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm. Khó khăn tuy đã giảm bớt, nhưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Tình hình lao động, việc làm đã có cải thiện, nhưng còn nhiều thách thức. Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm, nhất là khi đã bước vào mùa mưa bão. 

Khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội,... Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn. Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 105/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, hành động quyết liệt, nỗ lực hơn nữa để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, chủ động thích ứng với tình hình, xử lý công việc theo thẩm quyền; đẩy mạnh tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện; đẩy mạnh các giải pháp trong trung và dài hạn, thực hiện 03 đột phá chiến lược... 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Một là, tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Hai là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, nhất là các vướng mắc pháp lý thuộc thẩm quyền; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không ban hành các quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể, đủ thẩm quyền để thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát; duy trì cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 8, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tập trung rà soát vướng mắc về thể chế, pháp lý, cơ chế, chính sách, nhất là thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.

Ba là, thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu. Bốn là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm là, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng Hydrogen...

Sáu là, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động; tăng cường kết nối cung - cầu, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề bền vững; chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Bảy là, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa. Tám là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chín là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Mười là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế; sự lãnh đạo, quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương./.

 

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.748.162