Tình hình thương mại của Việt Nam với khối thị trường thành viên CPTPP trong 6 tháng đầu năm 2024
Trong tháng 6/2024, hoạt động xuất nhập khẩu khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận diễn biến khá tích cực, đạt tổng kim ngạch 64,1 tỷ USD, giảm nhẹ 1,35% so với tháng trước nhưng tăng 13,29% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,9%; kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3%.
Riêng đối với thị trường CPTPP, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và 10 thành viên Hiệp định CPTPP trong tháng 6/2024 đạt 7,98 tỷ USD, giảm 2,66% so với tháng trước và giảm 2,54% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khối thị trường CPTPP đạt 49,68 tỷ USD, tăng 8,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,44% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thu hẹp so với mức tỷ trọng 14,4% cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu:
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường thành viên CPTPP trong tháng 6/2024 đạt 4,41 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 4,75% so với tháng 6/2023. Trong đó, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực sang thị trường CPTPP chậm lại rõ rệt như: Máy móc thiết bị (giảm 2,9% so với tháng trước); Điện thoại các loại và linh kiện (giảm 15,22%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 16,5%); Giày dép các loại (giảm 5,9%)…
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với xu hướng tăng trưởng tích cực của hoạt động xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 26,65 tỷ USD, tăng 11,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với tốc độ tăng 14,9% của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung. Với kết quả này, xuất khẩu sang thị trường CPTPP hiện chiếm gần 14% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, thấp hơn so với mức tỷ trọng chiếm 14,5% cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP trong 6 tháng qua chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo như Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Điện thoại các loại và linh kiện; Hàng dệt, may; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Phương tiện vận tải và phụ tùng. Chỉ tính riêng nhóm 5 mặt hàng này đã chiếm tới 52,75% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP trong 6 tháng qua, cao hơn so với mức tỷ trọng 51,5% cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của cả 5 nhóm mặt hàng này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá.
Trong đó, máy móc thiết bị và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là những mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, lần lượt tăng 25,67% và 30,38%. Với kết quả này, đây cũng là hai mặt hàng có tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP cải thiện rõ nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 12,9% và 9,7% trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP, tăng đáng kể so với mức tỷ trọng chiếm 13,4% và 8,22% cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường CPTPP nhìn chung vẫn gặp khó khăn trong việc tận dụng lợi ích từ Hiệp định. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của Việt Nam nhưng thị phần tại CPTPP còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường đang có, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tiêu biểu như mặt hàng gạo (chiếm 1,59% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP và chiếm 12% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam); mặt hàng cà phê (chiếm 1,4% trên tổng xuất khẩu sang CPTPP và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam); mặt hàng rau quả (chiếm tỷ trọng lần lượt 0,85% và 6,83%)… Tuy nhiên, điểm đáng tích cực là kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường CPTPP đạt 388,7 triệu USD, tăng tới 138,77% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
- Xem chi tiết tại đây;
Thùy Dương (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 6/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ (Tarım ve Orman Bakanlığı) đã ban hành thông báo số 32538 về sửa đổi Bộ luật về quy định về nhựa tiếp xúc với thực phẩm (Thông cáo số 2019/44, số 30989 nhắc lại).
-
Singapore là một trong những nền kinh tế có sự phát triển vượt bậc trong khu vực ASEAN. Với nền kinh tế mạnh mẽ và sự đổi mới liên tục, Singapore từ một quốc gia nhỏ bé trở thành một trong những trung tâm tài chính và kinh doanh hàng đầu thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.
-
Những tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Nhật Bản nhìn chung hồi phục với tốc độ vừa phải, tuy nhiên nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh do giá hàng hóa ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên các hộ gia đình. Yếu tố tiêu dùng cá nhân tăng trưởng thấp so với kỳ vọng đang đè nặng lên kinh tế Nhật Bản
-
Ngày 9/4/2024, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu đã công bố đánh giá khoa học về “Sửa đổi mức dư lượng tối đa hiện có đối với fluxapyroxad” theo Điều 6 của Quy định (EC) số 396/2005.