Tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh tại Nhật Bản tháng 7/2021
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào cuối tháng 7/2021 dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,8% vào năm 2021 so với năm 2020, giảm 0,5 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 4/2021 do nước này tiếp tục phải áp dụng các biện pháp để kiềm chế sự lây lan của các biến thể virus mới.
Dự báo tăng trưởng toàn cầu vẫn không thay đổi ở mức 6,0%. Triển vọng của các nền kinh tế châu Á đã bị điều chỉnh giảm vì đợt dịch bệnh với biến thể Delta nhưng phần giảm này được bù đắp bởi những cải thiện của kinh tế Hoa Kỳ và một số nền kinh tế phát triển khác.
Sản xuất và thương mại các sản phẩm công nghiệp:
Sản xuất:
Theo số liệu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng 6/2021 tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục chuỗi tăng kéo dài từ tháng 2 năm nay, tuy nhiên tốc độ tăng thấp hơn so với 2 tháng trước đó. Nếu so với tháng 5/2021 thì sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, chủ yếu nhờ sự phục hồi của sản xuất ô tô.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất do Ngân hàng au Jibun Nhật Bản tính toán và công bố đã được điều chỉnh lên mức 53,0 vào tháng 7/2021, tăng so với ước tính sơ bộ là 52,2 và mức 52,4 vào tháng 6/2021, do cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng nhanh hơn, việc làm cũng tăng trong tháng thứ tư liên tiếp.
Thương mại:
Xuất khẩu:
Xuất khẩu của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2021 tăng 23,2% so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất trong 11 năm, phản ánh sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 39,86 nghìn tỷ yên (363 tỷ USD), vượt qua mức trước đại dịch là 38,25 nghìn tỷ yên được ghi nhận trong nửa đầu năm 2019, khi xuất khẩu của Nhật Bản bị sụt giảm do xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, xuất khẩu của Nhật Bản trong sáu tháng đầu năm đã được thúc đẩy bởi mức tăng 32,8% trong xuất khẩu ô tô; xuất khẩu phụ tùng ô tô cũng tăng 38,8%.
Nhập khẩu:
Nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước lên 38,87 nghìn tỷ yên, mức tăng lớn nhất kể từ khi tăng 15,9% trong nửa cuối năm 2017, phản ánh sự phục hồi của giá dầu thô và tiêu dùng trong nước.
Như vậy, đây là lần đầu tiên cả xuất khẩu và nhập khẩu cùng tăng kể từ nửa cuối năm 2018. Kết quả là, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt thặng dư thương mại hàng hóa 984,99 tỷ yên trong sáu tháng đầu năm nay.
Nguồn: Báo cáo cung cấp thông tin về tình hình, chính sách, cơ hội hợp tác trong sản xuất công nghiệp, đầu tư, giao thương, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản - Số tháng 7/2021 thuộc nhiệm vụ “Cung cấp thông tin hai chiều phục vụ hợp tác sản xuất, đầu tư và giao thương một số mặt hàng công nghiệp tiêu biểu giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP”
Xem Báo cáo đầy đủ tại đây.
Trung tâm thông tin
Công nghiệp và Thương mại
-
Theo đánh giá của các chuyên gia, những nỗ lực khôi phục kinh tế và hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình đã kích thích kinh doanh và tiêu dùng, qua đó giúp kinh tế nước này khởi sắc từ đầu năm 2021 đến nay.
-
Chỉ số Triển vọng Kinh doanh ANZ ở New Zealand giảm xuống -3,8 vào tháng 7 năm 2021 từ mức -0,6 vào tháng 6, trong bối cảnh áp lực lạm phát, gián đoạn vận chuyển hàng hóa và rủi ro dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu được cải thiện.
-
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, cùng với việc tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp, cần có bước chuẩn bị kỹ lượng các điều kiện xuất khẩu nông sản đáp ứng được các tiêu chí mà phía Trung Quốc đưa ra.
-
Nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân môt số phường tại Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức Điểm bán hàng nông sản, thực phẩm an toàn bình ổn giá tại 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.