Tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh, đầu tư tại Peru tháng 7/2021
Theo đánh giá của các chuyên gia, những nỗ lực khôi phục kinh tế và hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình đã kích thích kinh doanh và tiêu dùng, qua đó giúp kinh tế nước này khởi sắc từ đầu năm 2021 đến nay. (Nền kinh tế Peru trong quý I/2021 đã tăng trưởng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, sau mức giảm 1,7% trong quý IV/2020. Đây là quý đầu tiên GDP tăng sau hơn một năm trở lại đây, kể từ khi nước này bị tác động nặng nề bởi cả dịch bệnh COVID-19 và những bất ổn xã hội).
Tuy nhiên các biện pháp kích cầu cộng với giá đầu vào tăng trên thị trường quốc tế đang tạo ra nguy cơ lạm phát. Đặc biệt giá tăng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và lĩnh vực xây dựng đóng góp chính vào áp lực chung cho mặt bằng giá hàng hóa tại Peru.
Môi trường kinh doanh:
Môi trường kinh doanh tại Chile đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và một số yếu tố khác liên quan đến ổn định xã hội. Những quan điểm mâu thuẫn về phúc lợi đã ảnh hưởng đến sự đồng thuận của cộng đồng và thị trường về các quyết định kinh doanh, tiêu dùng trong thời gian tới.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát ở Peru đã tăng tháng thứ ba liên tiếp lên 3,81% trong tháng 7/2021 so với tháng 7/2020, mức cao nhất kể từ tháng 3/2017. Lạm phát xảy ra sau một tháng bất ổn chính trị gây áp lực lên đồng nội tệ.
Nếu so với tháng 6/2021, giá tiêu dùng tăng 1,01% trong tháng 7/2021, mức tăng nhanh nhất trong 52 tháng, chủ yếu do các nhóm sau đây tăng giá: giá nhà ở & tiện ích (2,37%) thực phẩm & đồ uống (1,51%) và giao thông & liên lạc (0,92%).
Ở Peru, các danh mục quan trọng nhất trong rổ tính CPI gồm có: Thực phẩm và Đồ uống không cồn (chiêm 25,7% tổng trọng lượng); Giao thông vận tải (12,6 %) và Nhà hàng và Khách sạn (11,9 %). Nhà ở, Nước, Điện và Nhiên liệu khác chiếm 9,2% và Giáo dục chiếm 9,1%. Những hàng hóa dịch khác bao gồm: Hàng hóa và Dịch vụ khác (6,8 %); Nội thất và Thiết bị gia dụng và Bảo tồn (5,7 %); Quần áo và Giày dép (5,5%); Giải trí và Văn hóa (5,4 %); Truyền thông (4,3 %); Chăm sóc sức khỏe (3,4 %) và Đồ uống có cồn, Chất kích thích và Thuốc lá (1,2%).
Sản xuất và thương mại sản phẩm công nghiệp
Sản xuất:
Sản xuất công nghiệp của Peru trong tháng 5/2021 (tháng gần nhất công bố số liệu) tăng 82,96% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Peru (Minem), sản lượng kim loại cơ bản ở Peru trong tháng 5/2021 tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, một mặt do mức của năm 2020 thấp vì ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19, mặt khác do sản xuất tại các mỏ lớn đang trong quá trình phụ hồi mạnh mẽ. Tổng sản lượng đồng đạt 195.999 tấn trong tháng 5/2021, tăng 52,63% so với 128.412 tấn trong tháng 5/2020, đồng thời cũng tăng so với 173,1 nghìn tấn trong tháng 4/2021.
Cơ sở khai thác mỏ Antamina, thuộc sở hữu chung của BHP, Glencore, Teck và Mitsubishi, đã sản xuất 42.171 tấn đồng trong tháng 5/2021, so với mức 37.412 tấn trong tháng 4/2021. Antamina là mỏ đồng lớn nhất nhất của Peru hiện nay.
Thương mại:
Xuất, nhập khẩu của Peru:
Theo số liệu do Ngân hàng Dự trữ Peru (NHTW của Peru) công bố, nhập khẩu hàng hóa vào Peru trong tháng 6/2021 đạt 3,91 tỷ USD, giảm so với 3,98 tỷ USD trong tháng 5/2021. Trong khi đó xuất khẩu về cơ bản ổn định so với tháng trước, đạt 4,80 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt khoảng 0,9 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Peru Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 281,9 triệu USD hàng hóa các loại sang Peru, tăng mạnh tới 122,75% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi đặt mức cao vượt trội là 72,8 triệu USD vào tháng 4/2021, thì từ tháng 5/2021 khi đợt dịch lần thứ 4 tác động đến các trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của nước ta như Bắc Ninh, Bắc Giang và sau đó là các khu công nghiệp ở khu vực phía Nam như ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, kim ngạch xuất khẩu sang Peru đã giảm mạnh trong tháng 5 và tháng 6/2021.
Nguồn: Báo cáo cung cấp thông tin về tình hình, chính sách, cơ hội hợp tác trong sản xuất công nghiệp, đầu tư, giao thương, chuyển giao công nghệ từ Peru và Chile - Số tháng 7/2021 thuộc nhiệm vụ “Cung cấp thông tin hai chiều phục vụ hợp tác sản xuất, đầu tư và giao thương một số mặt hàng công nghiệp tiêu biểu giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP”
Xem Báo cáo đầy đủ tại đây.
Trung tâm thông tin
Công nghiệp và Thương mại
-
Chỉ số Triển vọng Kinh doanh ANZ ở New Zealand giảm xuống -3,8 vào tháng 7 năm 2021 từ mức -0,6 vào tháng 6, trong bối cảnh áp lực lạm phát, gián đoạn vận chuyển hàng hóa và rủi ro dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu được cải thiện.
-
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, cùng với việc tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp, cần có bước chuẩn bị kỹ lượng các điều kiện xuất khẩu nông sản đáp ứng được các tiêu chí mà phía Trung Quốc đưa ra.
-
Nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân môt số phường tại Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức Điểm bán hàng nông sản, thực phẩm an toàn bình ổn giá tại 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
-
Chiều 14/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin báo chí, dư luận liên quan đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ bơ, sầu riêng của tỉnh.