Tìm cơ hội gia tăng xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu nước ta. Tuy nhiên, cơ hội xuất khẩu hàng hóa vẫn đang mở ra từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Xuất nhập khẩu ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 2/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 37,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 1/2020 và tăng gần 30% so với tháng 2/2019. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 74,02 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.
ĐIện thoại và linh kiện góp phần lớn vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 năm 2020 ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 1 và tăng 34% so với cùng kỳ tháng 02 năm 2019. Ước chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do trong tháng 2/2020, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp FDI.
Về các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nông, thủy sản chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi đây là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam trong tháng 2/2020 đã giảm tới 15,1% so với tháng 1/2020. Có tới 8/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Tiếp tục khẳng định là nhóm hàng chủ lực xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 2 đã tăng 4% so với tháng 1/2020, đạt 16 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 55,8% so với tháng 1/2020 do hãng Samsung đã xuất khẩu và bán ra thị trường bộ ba sản phẩm mới là Galaxy S20, S20+, S20 Ultra. Tính chung 2 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 31,39 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ, chiếm 85,01% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 7 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó đều là các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính nhập siêu 176 triệu USD. Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam) từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam.
Cơ hội sẽ đến từ các FTA
Bộ Công Thương nhận định, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.
Bên cạnh đó, những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Đối với Trung Quốc, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc trong tháng 2/2020 bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tính đến cuối tháng 2/2020, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.
Bộ Công Thương khẳng định, bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Với CPTPP, ngay trong năm đầu thực thi, Hiệp định CPTPP đã giúp kim ngạch xuất khẩu nước ta tăng 8,3%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng – Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định quan trọng nhất, đã mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp. Trong đó, CPTPP được đánh giá là FTA thế hệ mới, được cam kết ở mức rất cao. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể XK hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản…
Doanh nghiệp cũng được khuyến cáo cần đặc biệt chú ý vì đây là những thị trường tiềm năng, có khả năng xuất khẩu lớn. Nhưng phải lưu ý, chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó. Do vậy bên cạnh việc nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để xuất khẩu.
Nguồn: Báo Công Thương
-
Bộ Công Thương cập nhật thông tin, số liệu, tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 29/02/2020 và lượng hàng hóa còn tồn tại ở các cửa khẩu. Cụ thể như sau:
-
(VITIC-DNTM) Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan.
-
(VITIC-DNTM) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
-
(VITIC-DNTM) Ngày 28/2/2020, Bộ Tài chính đã gửi công văn số 2137/BTC-CST xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp