Tìm cơ hội duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam; một số lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư nước ngoài; hậu Covid-19 là thời điểm vàng để doanh nghiệp (DN) trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI, tạo động lực phát triển kinh tế…
Đó là những điểm đáng lưu ý được nêu ra tại Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam do Trường Đại học Thương mại công bố ngày 12/7. Báo cáo được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy. Nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất, bao gồm bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam, các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hàng năm...
Kịch bản nào cho tăng trưởng năm 2021?
Phó Giáo sư Hà Văn Sự, Trưởng khoa Kinh tế - Luật (Trường ĐH Thương mại), thư ký khoa học của Báo cáo thường niên cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2020 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn; dịch bệnh COVID-19 lan nhanh, làm tê liệt chuỗi cung ứng và suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo cho rằng, đại dịch có thể là chất xúc tác thúc đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam; một số lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư nước ngoài; hậu COVID-19 là thời điểm vàng để doanh nghiệp (DN) trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI.
Bên cạnh đó, COVID-19 còn thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam mạnh mẽ hơn, như học online, họp online... thậm chí còn thay đổi rất nhiều trong lối sống cũng như sản xuất của người Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, đại dịch COVID-19 làm sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài và số lượng dự án đầu tư mới giảm, một số lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm về dòng vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực tới cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo địa bàn.
Tuy vậy, với chiến lược thực hiện đồng thời mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, năm 2020 Việt Nam đã trở thành điểm sáng về kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Do đó, kịch bản GDP dự báo hai kịch bản tăng trưởng.
Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%
Cụ thể, với kịch bản cơ sở tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 4%, được dự báo là kịch bản có khả năng xảy ra nhất hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi và đại dịch COVID-19 dần được khống chế.
Với kịch bản này, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng dương trở lại như Mỹ, EU, Nhật Bản… nhờ đó kinh tế trong nước sản xuất dần được phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng mức 7%. Đóng góp của FDI dự kiến tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Với kịch bản thấp, báo cáo dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%, CPI trung bình khoảng 3,5%.
Mặc dù đánh giá đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra, nhưng báo cáo đánh giá nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới trì trệ và phục hồi chậm, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Việt Nam bị tác động, đầu tư khu vực nhà nước ở mức thấp, thì tăng trưởng khó đạt được triển vọng cao hơn.
Tìm giải pháp duy trì tăng trưởng
Theo Giáo sư Đinh Văn Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Thương mại, chủ biên Báo cáo thường niên, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, về phía cung, cần tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế, cải cách thị trường lao động, đất đai, tài chính, tái định hình chuỗi cung ứng, đảm bảo chính sách an sinh và ổn định xã hội; về phía cầu, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và xuất nhập khẩu.
Để đạt được kết quả đó, Việt Nam phải kiểm soát và có hệ thống giải pháp căn cơ giảm thiểu các thiệt hại do đại dịch COVID-19; đồng thời phải có giải pháp “ứng phó” trong điều kiện dịch bệnh như: Thực thi chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt; áp dụng phù hợp các công cụ thuế và đầu tư công; đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; phát triển nền kinh tế số và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đối với thương mại trong nước, phải triển khai áp dụng bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, đặc biệt đối với hệ thống phân phối; tiếp tục hỗ trợ DN thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển thương mại điện tử trong nước để thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa; bám sát tình hình kinh tế - chính trị thế giới, đặc biệt là các cuộc chiến tranh thương mại, cuộc chiến tiền tệ để xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu thị trường trong nước.
Để Việt Nam tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá, Việt Nam chỉ còn con đường quyết liệt đổi mới, vì thời gian qua đổi mới đã đạt nhiều bước tiến dài nhưng vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. “Muốn bứt phá thì quyết tâm phải đi cùng với hành động lớn. Đơn cử, muốn phát triển mạnh mẽ thì phải có cực tăng trưởng, chứ không thể dàn hàng ngang cùng tiến”, ông Bá nói.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Từ ngày 24/7/2020 đến ngày 12/7/2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 458 vụ; tổng số tiền xử phạt là 1,83 tỷ đồng. Từ ngày 31/01/2020 đến ngày 12/7/2021, tổng số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường lên đến 9.751 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,78 tỷ đồng.
-
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.
-
Trước băn khoăn liệu có sự bất thường nào về số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt khá (5,64%) dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
-
Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.