Tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam-Lào
Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
VietLao Expo 2023 có quy mô khoảng 250 gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của hàng trăm doanh nghiệp hai nước - Ảnh: Báo Nhân dân
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam–Lào năm 2022 đạt 1,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2021.
Dư địa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Lào còn nhiều
Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào lũy kế hết tháng 11/2023 đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 485 triệu USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 977 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm: Xăng dầu các loại; sản phẩm từ sắt thép; sắt thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phân bón các loại; hàng rau quả.
Vụ Thị trường Á-Phi (Bộ Công Thương) nhận định: Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên cơ sở của mối quan hệ thương mại tích cực giữa hai nước.
Trong đó, các mặt hàng mà Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào bao gồm: Hàng tiêu dùng và hàng hóa thông thường: Các sản phẩm như thực phẩm, đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng; hàng công nghiệp và xây dựng như vật liệu xây dựng, máy móc và thiết bị công nghiệp cũng có thể là các sản phẩm mà Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào để hỗ trợ phát triển hạ tầng và công nghiệp của Lào; nông sản và thực phẩm chế biến; dịch vụ, bên cạnh hàng hóa, các dịch vụ như du lịch, giáo dục và tư vấn cũng có thể trở thành lĩnh vực mở rộng xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào gồm: Cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; phân bón các loại; ngô; hàng rau quả; kim loại thường khác.
Trong thời gian tới, để bảo đảm an ninh năng lượng và thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào trong lĩnh vực mua bán điện và than, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than khá lớn từ Lào để phục vụ sản xuất điện.
Thời gian vừa qua, để thúc đẩy thương mại Việt Nam-Lào, Bộ Công Thương đã hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phát triển thương mại gồm: 2 khuôn khổ pháp lý song phương về thương mại quan trọng là Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào; Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào ký năm 2015, có hiệu lực đến hết năm 2018, gia hạn đến hết năm 2024. Hiện, 2 bên tiếp tục đàm phán để sửa đổi, bổ sung Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào.
Hội chợ Thương mại Việt-Lào cũng là hoạt động thường niên, có ý nghĩa mà Việt Nam tổ chức tại Lào, thu hút được đông đảo sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng của Lào.
Tiềm năng hợp tác thương mại
Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng Lào, Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trao đổi thương mại hai chiều gần đây liên tục tăng trưởng hằng năm ở mức hai con số. Việt Nam cũng là nước đầu tư lớn thứ ba vào Lào với 241 dự án FDI đang hoạt động và tổng vốn đăng ký hơn 5,74 tỷ USD.
Trong đó, thương mại giữa 2 quốc gia không ngừng tăng. Việt Nam và Lào đều nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển kinh tế thông qua việc mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Việt Nam cũng thường hỗ trợ Lào trong các lĩnh vực như hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác thương mại.
Cả hai quốc gia đều có tiềm năng lớn về nguồn lực và lao động. Việt Nam có thị trường lớn và cơ sở hạ tầng phát triển, trong khi Lào có nhiều cơ hội đầu tư mới trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, du lịch và nông nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam và Lào cùng là thành viên của ASEAN, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và tạo ra một môi trường ổn định cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Lào, cần có những nỗ lực chung từ cả hai bên, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường quản lý các hoạt động khu vực biên giới và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
-
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/1/2024 về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo quản lý đầu tư công chặt chẽ, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển.
-
Năm 2023, tình hình KTXH đất nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.
-
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
-
Chiều ngày 3/1/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong nước nhằm triển khai Công điện 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ