Thuỵ Sĩ cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam
Thuỵ Sĩ sẽ dành 75 triệu USD cho Việt Nam theo diện hỗ trợ không hoàn lại nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2024.
Đây là lời khẳng định của Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam - ông Ivo Sieber - trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ngày 23/7.
Cũng trong buổi làm việc này, Đại sứ Ivo Sieber đã thông báo cho phía Bộ Công Thương về chuyến thăm vào tháng 8 sắp tới của Phó Tổng thống Thuỵ Sĩ - ông Ignazio Cassis. Chuyến thăm chính thức này đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thuỵ Sĩ và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đây là cơ hội để nhìn lại mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ đầu tư và thương mại.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã có buổi tiếp Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber
Thuỵ Sĩ hiện đang đứng thứ 19 trong các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Thuỵ Sĩ đang tạo ra khoảng 20.000 công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 13,6 tỷ USD bất chấp tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, trong đó, Việt Nam xuất siêu 2,2 tỷ USD. Năm 2021 cũng đánh dấu 30 năm quan hệ hợp tác kỹ thuật và kinh tế.
Đánh giá về mối quan hệ thương mại Việt Nam - Thuỵ Sĩ trong 50 năm qua, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa và tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài”. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực để hợp tác kinh tế với các quốc gia khác, trong đó có Thuỵ Sĩ. Sự kiện ký kết và đi vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính là minh chứng cho nỗ lực này.
Hai bên cùng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế
Đồng tình với thứ Trưởng Cao Quốc Hưng, Đại sứ Ivo Sieber nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, cho biết: “Xây dựng mối quan hệ đối tác tốt và khả quan là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch. Hợp tác sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua khó khăn”. Ông cho biết, Thuỵ Sĩ sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Trong chuyến thăm chính thức sắp tới của Phó Tổng thống Ignazio Cassis, phía Thuỵ Sĩ sẽ tuyên bố Chiến lược Hợp tác phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2024 với Việt Nam. Đại sứ Ivo Sieber cho biết, Thuỵ Sĩ đã ban hành chiến lược này và đi vào thực hiện trong năm 2021. Chiến lược nhằm 2 mục tiêu chính: hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường với các khung kinh tế hiệu quả; khu vực tư nhân có thể tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự kiến, trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế, Thuỵ Sĩ sẽ dành cho Việt Nam 75 triệu USD theo diện viện trợ không hoàn lại trong vòng 4 năm tới. Khoản hỗ trợ này chủ yếu liên quan đến thương mại, khả năng đàm phán tham gia các hiệp định thương mại, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào xuất khẩu.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá rất cao về Chiến lược Hợp tác phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2024 của Thuỵ Sĩ. Thứ trưởng cho rằng đây sẽ là sự hỗ trợ rất tốt đối với Việt Nam trong giai đoạn hồi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “97,5% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là thách thức lớn để các doanh nghiệp này có đủ năng lực và trình độ để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” – Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 khi các phương tiện chưa kịp nhận được mã QR.
-
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện với yêu cầu, phương châm trong mọi hoàn cảnh không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là dân trong vùng dịch.
-
Chiều 25/7, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có phần trình bày về các nhóm giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương sẽ triển khai trong thời gian tới để phát triển công nghiệp.
-
Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.