Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp điều tra chống trợ cấp đối với các mặt hàng xuất khẩu
Ngày 30/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024 với chủ đề “Khuyến nghị liên quan đến việc điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam”, hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, trong thời gian qua, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường điều tra ngày càng mở rộng, ngoài hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đã khởi xướng điều tra hàng hóa Việt Nam, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia và vùng lãnh thổ chưa từng điều tra hoặc ít điều tra Việt Nam như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra.
Ảnh: Moit.gov.vn
Trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam, vai trò của các cơ quan Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng. Bởi Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo. Tại nhiều vụ việc, ngay khi nhận được thông tin về việc cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ hợp lệ từ phía các doanh nghiệp trong nước, Thương vụ Việt Nam đã gửi thông tin cho Chính phủ Việt Nam, thông báo về khả năng nước bạn sẽ tiến hành điều tra đối với mặt hàng này. Nhờ cảnh báo sớm từ Thương vụ, Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm chuẩn bị tinh thần, thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra. Đặc biệt, Thương vụ còn thay mặt Bộ Công Thương trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra.
Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục đưa ra các khuyến nghị kịp thời về vụ việc phát sinh, về kỹ thuật, lập luận, tư vấn triển khai các vụ việc; Hỗ trợ trao đổi, trình bày lập luận, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về kết luận của cơ quan điều tra liên quan đến các chương trình chính sách của phía Chính phủ Việt Nam. Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ giới thiệu và tiếp tục kết nối các chương trình giao thương thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa …
Những khuyến nghị đối với doanh nghiệp tại một số thị trường:
-
Tại thị trường Mỹ: các doanh nghiệp cần luôn có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể. Khuyến nghị đầu tiên tại thị trường Mỹ là doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại). Khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tìm hiểu trước quy định pháp luật, thực tiễn điều tra của Mỹ thông qua các buổi hội thảo, đào tạo của Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để có thể hình dung quy trình điều tra, thủ tục, yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.
-
Tại thị trường Canada: khi đã điều tra một sản phẩm, Canada thường xem xét luồng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia liên quan, dù lượng xuất khẩu có thể không đáng kể. Ngoài ra, khi bị vào tầm ngắm, các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng.
Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao. Ngoài ra, để giúp doanh nghiệp chủ động phóng tránh bị cáo buộc bán phá giá/lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Thương vụ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện phổ biến Hiệp định Đối tac Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách thức khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất… và vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thoả mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác các FTA hiệu quả và bền vững.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 24/9/2024, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc Hội chợ Thương mại Trung Quốc - ASEAN lần thứ 21 (CAEXPO 2024) đã chính thức được khai mạc. Hội chợ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, được Chính phủ Trung Quốc quyết định tổ chức thường niên kể từ năm 2004.
-
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
-
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lực mua tiếp tục chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (24/9) kéo chỉ số MXV-Index tăng hơn 1,5% lên mức 2.203 điểm.
-
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và EuroCham phối hợp tổ chức họp báo công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024).