VITIC
Thị trường trong nước

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm

26/10/2023 09:39

Việc khơi thông dòng vốn sẽ góp phần quan trọng tạo động lực để người dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.


Nhiều giải pháp đang được đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm. Ảnh minh họa

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp dần phục hồi vào cuối năm
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,92%. Con số này mặc dù thấp hơn so với mức khoảng 11% của cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên chỉ tính riêng tuần cuối cùng của tháng 9, thì tín dụng đã tăng thêm khoảng 1 điểm %, tương đương trên 120.000 tỷ đồng vốn đã được cho vay ra nền kinh tế. Điều này cho thấy, các giải pháp khơi thông vốn vay đã phần nào phát huy tác dụng, đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp đang cần nhiều vốn hơn vào thời điểm cuối năm.
 
Tại Công ty TNHH sản xuất Hồng Ngọc, một không khí làm việc đang rất khẩn trương của những người lao động nơi đây. Họ đang gấp rút chuẩn bị cho đơn hàng cá tra phi lê xuất khẩu. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu từ sớm họ đã có đơn hàng trước cho 2 tháng tới. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu từ 30 - 40 container.
 
Đơn hàng đã có, doanh nghiệp đang gấp rút thu mua cá từ các ao nuôi. Với nguồn vốn vay từ ngân hàng, doanh nghiệp này đã chủ động liên kết với các hộ nuôi, hỗ trợ giống, thức ăn, ngay từ đầu vụ, giúp ổn định nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.
 
Ông Phan Tuấn Ngọc - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH sản xuất Hồng Ngọc cho hay: Khi mình đầu tư và hỗ trợ giá cho nông dân sẽ giúp họ duy trì công việc, tiếp tục nuôi ao. Gói vay năm nay thấp hơn trước 1,5%, giúp công ty trang trải nguồn vốn cho sản xuất".
 
CTCP Hoàng Minh Nhật cho biết, 90% lượng gạo sản xuất ra của doanh nghiệp này cũng đã có đầu ra. Việc giá gạo tăng lên mức cao thời gian qua, đã giúp các doanh nghiệp ngành lúa gạo mạnh dạn đầu tư sản xuất. CTCP Hoàng Minh Nhật đã liên tục có ngân hàng chào mời vay vốn.
 
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, lâm sản đang có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành nghề gặp khó khăn về đầu ra, khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp suy giảm. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường đồng hành, hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp ngay khi có nhu cầu.
 
Kiến nghị tiếp cận vốn của doanh nghiệp
 
Có thể thấy đơn hàng của một số doanh nghiệp đã phục hồi tốt hơn giai đoạn trước, kéo theo nhu cầu vốn gia tăng từ cuối tháng 9. Nhưng vẫn có tình trạng doanh nghiệp phản ánh khó vay vốn, trong khi ngân hàng lại thừa tiền nhưng không cho vay được.
 
Đây là vấn đề tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng từ lâu. Những doanh nghiệp tốt luôn được các ngân hàng săn đón, còn những doanh nghiệp gặp khó khăn, lợi nhuận không ổn định sẽ khó hơn, tùy thuộc vào đánh giá của ngân hàng về kế hoạch kinh doanh, phương án trả nợ của doanh nghiệp.
 
Phía các doanh nghiệp cũng có một số đề xuất, kiến nghị để có thể mở rộng khả năng vay vốn.
 
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho hay: "Vào thời điểm mùa vụ cần nguồn vốn thanh toán cho bà con nông dân. Doanh nghiệp không đủ nguồn vốn sẽ rơi vào tình trạng ép giá".
 
Ông Phan Văn Liên - Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH Vinh Phúc đề xuất: "Lãi suất có thời kì 8% nhưng bây giờ xuống 7%. Ngân hàng cần có chính sách lãi suất kịp thời theo tình hình kinh tế thị trường và sự phát triển của xã hội…".
 
Nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay cuối năm
 
Để tháo gỡ vướng mắc, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức một loạt các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, nắm bắt kịp thời các khó khăn trong sản xuất kinh doanh để có giải pháp khơi thông vốn cho từng ngành, lĩnh vực.
 
Như với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản, đến nay sau khoảng 3 tháng triển khai, doanh số giải ngân đạt gần 7.000 tỷ đồng, tương đương một nửa số tiền cam kết. Nhiều ngân hàng cho biết, sẵn sàng mở rộng hạn mức cho các chương trình ưu đãi nếu các doanh nghiệp có nhu cầu. Không chỉ với lâm thủy sản, các lĩnh vực khác có tiềm năng cũng được ngân hàng dồn nguồn vốn hỗ trợ.
 
Mỗi nhóm doanh nghiệp có một đặc thù khác nhau, nhu cầu vốn khác nhau, nên nhiều ngân hàng đưa ra các ưu đãi cho từng nhóm ngành. Đơn cử, với những doanh nghiệp cần thu mua nông sản, ngân hàng có gói hỗ trợ riêng cho kịp mùa vụ.
 
Ông Đào Đức Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV, chi nhánh Đắk Lắk cho biết: "Tập trung vào các doanh nghiệp thu mua tư nhân trên địa bàn, tại các đầu mối thu mua. Đáp ứng nhu cầu tối đa của các khách hàng trong các mùa vụ hàng năm. Lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua thương mại như cà phê và xuất khẩu cũng thấp hơn vì thời gian vay họ ngắn hơn".
 
Với Ngân hàng SHB, từ nay tới cuối năm quyết định dành 6.000 tỷ đồng, tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng, mức lãi suất chỉ từ 6,97%/năm.


Mỗi nhóm doanh nghiệp có một đặc thù khác nhau, nhu cầu vốn khác nhau, nên nhiều ngân hàng đưa ra các ưu đãi cho từng nhóm ngành. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực từ phía ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ đồng bộ khác để kích cầu tiêu dùng, tạo đà khôi phục sản xuất kinh doanh.
 
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, ước tính sẽ có khoảng hơn 800.000 tỷ đồng vốn cần được cho vay ra trong quý cuối năm. Vì thế, các giải pháp khơi thông nguồn vốn cần được thực hiện kịp thời.
 
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức khi cầu đầu tư, tiêu dùng và sản xuất suy giảm, nguồn vốn cho vay ra khó có thể tăng cao như những năm trước. Dù vậy, việc khơi thông dòng vốn sẽ góp phần quan trọng tạo động lực để người dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh.
 
Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là các gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.


 

Nguồn: VTV.vn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.568