Thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 10,41 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm gỗ đạt 7,12 tỷ USD, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau một năm khó khăn, xuất khẩu gỗ đã thể hiện sự phục hồi tích cực với việc các đơn hàng quay trở lại, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 5,75 tỷ USD, tăng 26,23% so với cùng kỳ năm 2023, sang Trung Quốc đạt 1,39 tỷ USD, tăng 30,56%; sang EU đạt trên 318,66 triệu USD, tăng 27,34%. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán, viên nén và ván bóc.
Ảnh: Moit.gov.vn
Theo báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hết 6 tháng đầu năm 2024” do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thực hiện, riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 669 doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt 3,5 tỷ USD, tương đương 47,3% trong tổng kim ngạch. Đồ gỗ, ghế ngồi và gỗ dán là nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của khối FDI, chiếm gần 87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này trong cùng giai đoạn. Số doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu các mặt hàng như viên nén, dăm gỗ rất ít. Điều này cho thấy khối doanh nghiệp FDI chủ yếu tham gia khâu xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Đặc trưng cơ bản của ngành chế biến gỗ là sử dụng nguyên liệu gỗ đầu vào. Bên cạnh đó doanh nghiệp trong nước vẫn tập trung ở việc cung ứng các sản phẩm có hàm lượng chế biến thấp. Dù trong thời gian gần đây, Việt Nam tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và sản phẩm gỗ đạt được những kết quả đàm phán tích cực. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đã và đang có những bước mở cửa tích cực với mặt hàng gỗ của Việt Nam. Yếu tố quyết định đảm bảo tăng trường xuất khẩu bền vững của của khối doanh nghiệp trong nước đó là đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đối với mặt hàng gỗ. Trong đó các yêu cầu về tăng trưởng xanh, bao gồm các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp đang trở thành xu hướng chủ đạo ở nhiều thị trường. Luật Lacey của Hoa Kỳ, Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) của EU là ví dụ điển hình về các yêu cầu liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu trong các sản phẩm gỗ. Việc hiểu những yêu cầu này và tiến hành đổi mới hoạt động sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giải quyết những thách thức với sự phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Quy định tại thị trường Mỹ và EU
Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thị trường Mỹ đạt 5,75 tỷ USD, chiếm trên 55,23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Các mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024 bao gồm: Gỗ dán/gỗ ghép; ván ghép, đồ mộc xây dựng; đồ nội thất; bộ phận đồ gỗ… Trong đó, ghế ngồi là mặt hàng đứng thứ nhất trong số 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, Luật Lacey của Hoa Kỳ được ban hành năm 2008, với các quy định về các hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển các sản phẩm bằng gỗ trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Các sản phẩm gỗ chịu tác động của Luật này rất đa dạng, bao gồm giấy, đồ gỗ nội thất, gỗ xẻ, ván sàn, gỗ dán, khung tranh ảnh và các sản phẩm khác làm từ gỗ. Theo Luật này, hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ được khai thác, vận chuyển hoặc thương mại trái phép tại quốc gia xuất khẩu và tại Hoa Kỳ được coi là hoạt động phạm pháp tại quốc gia này. Luật này yêu cầu các cá nhân và công ty nhập khẩu các sản phẩm gỗ thực hiện trách nhiệm giải trình một cách thỏa đáng, nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc sử dụng gỗ bất hợp pháp. Trách nhiệm này được thể hiện qua việc khai báo thông tin chi tiết về các sản phẩm gỗ nhập khẩu, bao gồm tên khoa học đối với loài gỗ sử dụng trong sản phẩm, giá trị, số lượng nhập khẩu và quốc gia xuất xứ. Các hành vi bị coi như vi phạm Luật Lacey: trộm gỗ, bao gồm từ vườn quốc gia và khu bảo tồn; khai thác gỗ không có giấy phép, không tuân thủ các quy định về khai thác; không trả tiền thuê đất và các loại thuế và phí; làm giấy tờ giả, không tuân thủ quy trình, quy định về nhãn mác sản phẩm; không tuân thủ quy trình và quy định của Hải quan.
EU là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ tư cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Nếu chỉ tính riêng về các sản phẩm gỗ (HS 94), EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Quy định gỗ hợp pháp của EU: Quy chế Gỗ của EU (EUTR) là một trong bảy phần quan trọng của Kế hoạch Hành động của Chương trình Tăng cường Năng lực thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (gọi tắt là FLEGT) – Chương trình được EU khởi xướng năm 2003 với mục tiêu nhằm ngăn chặn buôn bán gỗ bất hợp pháp tại EU. Quy chế này bắt đầu có hiệu lực từ 3/3/2013, với các nội dung cơ bản sau:
(1) Cấm khai thác gỗ trái phép. EUTR nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ được khai thác trái phép vào EU. Các mặt hàng gỗ nằm trong danh mục chịu quản lý của Quy định này là các sản phẩm thuộc chương 44 và 94.15.
(2) Nghĩa vụ lưu giữ danh sách các đối tác thương mại. Các cá nhân và công ty của EU thực hiện hoạt động thương mại về gỗ và các sản phẩm gỗ nằm trong danh mục được quy định bởi EU có trách nhiệm lưu trữ các thông tin về người mua và nhà cung cấp của mình.
(3) Thực hiện trách nhiệm giải trình. EUTR yêu cầu các nhà nhập khẩu đưa bất kỳ các sản phẩm nào có trong danh mục các mặt hàng gỗ được quy định bởi EU phải thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm giải trình nhằm giảm thiểu rủi ro gỗ bất hợp pháp đi vào EU. Trách nhiệm giải trình bao gồm các khía cạnh chính sau:
- Tiếp cận thông tin về các sản phẩm và toàn bộ chuỗi cung sản phẩm. Các thông tin này bao gồm miêu tả sản phẩm, số lượng, loài gỗ, tên quốc gia và địa điểm nơi gỗ được khai thác, các bằng chứng về mức độ tuân thủ pháp luật của quốc gia sở tại nơi gỗ được khai thác, vận chuyển, chế biến, thương mại, địa chỉ liên lạc của người mua và nhà cung cấp.
- Đánh giá rủi ro: Việc đánh giá rủi ro nhằm mục đích loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ vào EU có trách nhiệm đánh giá các rủi ro ở tất cả các khâu trong chuỗi cung.
- Giảm thiểu rủi ro: Các doanh nghiệp đưa gỗ vào EU cần đưa ra những bằng chứng chứng tỏ mình đã cố gắng hết sức để giảm thiểu các rủi ro có liên quan đến gỗ lậu. Các bằng chứng này có thể bao gồm các loại giấy tờ được cung cấp bởi các cơ quan quản lý có liên quan, giấy tờ thẩm định của cơ quan độc lập.
Hiệp định Đối tác tự nguyên FLEGT VPA
Hiệp định Đối tác tự Nguyện FLEGT (VPA) là một trong 7 hợp phần của Chương trình Hành động FLEGT của EU. Hiệp định VPA có mục tiêu khuyến khích thương mại đối với các sản phẩm gỗ hợp pháp. Hiệp định này xác định các cam kết và hành động từ cả 2 phía nhằm loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Một trong những phần quan trọng nhất nằm trong khuôn khổ của Hiệp định là phân biệt giữa gỗ hợp pháp và bất hợp pháp. Việc phân biệt này được thực hiện thông qua việc đàm phán và thống nhất giữa EU và Chính phủ của quốc gia đối tác về một định nghĩa gỗ hợp pháp. Định nghĩa gỗ hợp pháp cần bao gồm cả 3 trụ cột, về kinh tế, xã hội và môi trường. Các vấn đề cần bao hàm trong nội dung của định nghĩa gỗ hợp pháp bao gồm việc tuân thủ với các quy định có liên quan đến khai thác gỗ, các quy định có liên quan đến lao động, môi trường, quyền cộng đồng, trách nhiệm về các khoản thuế, phí có liên quan đến khai thác và thương mại gỗ, trách nhiệm tuân thủ các quy định có liên quan đến chế biến và xuất khẩu.
Phần quan trọng thứ 2 trong Hiệp định là xây dựng một Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (Timber Legality Assurance System, TLAS). Hệ thống này bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được đưa vào chuỗi cung và được xuất khẩu. Một hệ thống cấp phép đối với các sản phẩm hợp pháp sẽ được vận hành và để đảm bảo quá trình này được thực hiện một cách hiệu quả. Các cấu phần chính trong hệ thống TLAS bao gồm:
(1) Định nghĩa gỗ hợp pháp (timber legality definition): Bộ tiêu chí /chỉ số (dựa trên các cơ chế, chính sách của quốc gia đối tác, bao gồm cả các công ước, hoặc hiệp định thương mại Quốc tế mà quốc gia đối tác đã cam kết tham gia) nhằm xác định sản phẩm gỗ là hợp pháp. Chỉ khi các sản phẩm gỗ được đưa vào chuỗi cung đáp ứng đầy đủ các chỉ số / tiêu chí này thì sản phẩm gỗ mới được coi là hợp pháp.
(2) Hệ thống kiểm soát chuỗi cung (control of supply chain): Các yêu cầu có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát sự vận hành của toàn bộ chuỗi cung, từ khâu khai thác cho tới khâu xuất khẩu Hệ thống kiểm chứng (verification). Các yêu cầu về kiểm chứng có liên quan đến sự tuân thủ về các tiêu chí /chỉ số trong định nghĩa gỗ hợp pháp và tuân thủ các yêu cầu trong toàn bộ chuỗi cung
(3) Cấp phép (issuances of licenses): Chi tiết hóa cơ quan và quy trình thực hiện cấp phép.
(4) Giám sát độc lập bởi bên thứ ba (Independent monitoring of systems by a third party): Điều này giúp đảm bảo sự vận hành hiệu quả và minh bạch của cả Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ.
Các sản phẩm gỗ khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu về tính hợp pháp và chuỗi cung sẽ được cấp phép xuất khẩu (giấy phép FLEGT). Cấp phép có thể thực hiện qua 2 hình thức:
- Cấp phép theo lô hàng (shipment-based licenses). Giấy phép xuất khẩu được cơ quan cấp phép cấp cho mỗi lô hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU. Cơ quan cấp phép cần phải đảm bảo các sản phẩm thuộc lô hàng xuất khẩu tuân thủ đầy đủ các quy định được thống nhất trong VPA.
- Cấp phép theo công ty (operated-based licenses). Cơ quan cấp phép đảm bảo rằng công ty có các sản gỗ có hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả và mình bạch nhằm đảm bảo nguồn gỗ được đưa vào chuỗi cung của công ty tuân thủ được đầy đủ các yêu cầu trong định nghĩa hợp pháp về gỗ.
Việt Nam và EU bắt đầu tiến hành đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vào tháng 11/2010. Sau 6 năm đàm phán, hai bên đã kết thúc quá trình đàm phán vào ngày 11/5/2017 và ký chính thức Hiệp định vào ngày 19/10/2018. Hiệp định đã được EU phê chuẩn vào ngày 15/4/2019 và Việt Nam phê duyệt vào ngày 23/4/2019 tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, và có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2019. Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu thiết lập khung pháp lý đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp. Theo VPA/FLEGT cả hai bên cam kết chỉ buôn bán sản phẩm gỗ hợp pháp.
Để đáp ứng những yêu cầu của VPA/FLEGT về mặt chính sách, ngày 01/9/2020, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Thông qua hệ thống cấp phép, Việt Nam thực hiện cam kết sẽ chỉ xuất khẩu sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES vào thị trường EU. Phía EU cũng sẽ chỉ cho phép gỗ Việt Nam vào EU nếu gỗ đó có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES có hiệu lực. Gỗ được cấp phép FLEGT được coi là đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định gỗ của EU.
Khuyến nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Trước hết, để đảm bảo tăng trưởng bền vững cho hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ, các doanh nghiệp cần có những thay đổi căn bản cả về nhận thức lẫn trong hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp cần đảm bảo hoạt động thu mua nguyên vật liệu hợp pháp, có đầy đủ chứng từ về nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các hệ thống truy xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và tiếp cận thông tin, đặc biệt là các quy định có liên quan đến các yêu cầu mới của thị trường. Các tổ chức như Hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng, cung cấp thông tin, định hướng thị trường, đưa ra cảnh báo sớm về các rủi ro cho doanh nghiệp. Điều này giúp giúp doanh nghiệp chủ động tham gia hội nhập.
Các cơ quan quản lý cần tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ ở hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin thị trường mà còn thông qua các hoạt động nâng cao tay nghề nhắm tăng chất lượng lao động, khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong chế biến và hệ thống quản lý hiện đại.
Nhật Minh thực hiện
-
Trong tháng 9/2024, thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng thu hoạch một số loại trái cây ở các tỉnh phía Bắc, nhưng tính chung 9 tháng năm 2024 sản lượng các loại trái cây chủ lực của cả nước vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhờ diện tích thu hoạch tăng.
-
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Kuwait, Kuwait tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực Trung Đông và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 6 tỷ USD trong năm 2023.
-
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
-
Năm 2023, hai nước Việt Nam – Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, hợp tác về kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.