Khoa học ngành Công Thương có bước tăng trưởng mạnh mẽ
Phát biểu tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương cho biết: Nhằm phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của nghiên cứu khoa học trong xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”.
“Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương hưởng ứng và tôn vinh các nhà khoa học đã và đang có những đóng góp trong nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại”- TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 tại Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương phát biểu
Trong những năm vừa qua, khoa học ngành Công Thương đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành, nhiều công trình đề tài nghiên cứu khoa học của các đơn vị nghiên cứu đã phục vụ và đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập của ngành Công Thương nói chung và của nền kinh tế nói riêng, qua đó góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Đơn cử như tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, Viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm trong chế biến các sản phẩm từ cây có dầu, tinh dầu và các phụ phẩm của công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến. Một số sản phẩm tiêu biểu như sản phẩm nước dừa đóng chai bằng công nghệ lọc màng, rượu, đường, siro từ mật hoa dừa, bột sữa dừa sáp.. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được Viện phối hợp với doanh nghiệp thương mại hóa và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường…
Hay tại Viện Nghiên cứu cơ khí, TS. Vũ Văn Khoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí – cho biết, những năm qua Viện đã thực hiện nhiều đề tài, dự án KHCN quan trọng như trong lĩnh vực thủy điện, Viện được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện A Vương, mang lại các hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đóng góp vào thành công của phát triển ngành. Trong lĩnh vực nhiệt điện, Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”, lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa dạt 50,6%; Hệ thống thải tro, xỉ (AHS): Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” đã được ứng dụng thành công tại các dự án nhiệt điện Thái Bình 1, Nghi Sơn 2 với tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 50%...
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng tham luận và chia sẻ về những đóng góp của hoạt động nghiên cứu khoa học trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương.
Cụ thể, hoạt động nghiên cứu khoa học giúp ngành Công Thương phát hiện ra các vấn đề chính sách và đề xuất chủ trương chính sách mới cho sự phát triển của ngành, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo lợi thế cạnh tranh; bảo đảm tự chủ kinh tế quốc gia thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học giúp thu thập, phân tích và xử lý thông tin trong quá trình hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu khoa học giúp nhà hoạch định chính sách của ngành Công Thương đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề một cách kịp thời và có hiệu quả, cơ cấu lại công nghiệp và thương mại, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu và hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác nghiên cứu khoa học trong hoạch định chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại một cách dân chủ, từ đó, định hướng và thiết kế các hành động chính sách để đạt mục tiêu giải quyết vấn đề chính sách trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đặc biệt, nghiên cứu khoa học cũng giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá khách quan tác động chính sách, xây dựng nền công nghiệp và thương mại quốc gia vững mạnh.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có những ý kiến đề xuất tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xây dựng những cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại đủ mạnh và khả thi; đổi mới nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương theo hướng cụ thể, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế.
Bên cạnh đó, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp và thương mại nhanh, bền vững và bao trùm. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học góp phần chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng các Viện, Trường nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lôi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao các tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại hội thảo. Các tham luận đã cho thấy những đóng góp các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn phải thực hiện theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các chuyên gia đã có đề xuất, đưa ra giải pháp, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức và kiến nghị cụ thể để làm sao hoàn thiện hơn nữa các chính sách phát triển ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Cũng tại hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trao Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Quyền – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu, chiến lược chính sách Công Thương.
Chúc mừng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương và cá nhân ông Nguyễn Khắc Quyền, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tin tưởng, ở cương vị mới ông Nguyễn Khắc Quyền sẽ tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của ngành Công Thương. Đồng thời, đề nghị tân Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền bắt tay ngay vào công việc, nghiên cứu, cập nhật ngay các nhiệm vụ của Viện để tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng các kế hoạch hoạt động của mình cũng như tham gia cùng Ban lãnh đạo Viện và tập thể người lao động thực hiện tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Bộ Công Thương giao cho Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ông Nguyễn Khắc Quyền hứa sẽ thực hiện tốt chức trách và nhiệm vụ được Lãnh đạo Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương cũng như Đảng bộ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương giao. Đồng thời, ông Nguyễn Khắc Quyền cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo cấp trên, sự đồng thuận của Ban lãnh đạo Viện cùng tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động tại Viện để có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành Công Thương dựa trên kinh nghiệm gần 30 năm công tác trong ngành Công Thương của mình.
Nguồn: Moit.gov