VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Thúc đẩy liên kết vùng - Tạo kết nối và nâng cao năng lực cạnh tranh

07/06/2022 09:22

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 06/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.


Toàn cảnh phiên thảo luận

 Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này. Đen nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021- 2025 là hợp lý và cần thiết.

Việc đầu tư hoàn thành 02 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Bên cạnh đó, việc xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong Vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các Dự án đang triển khai. Đồng thời tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai; góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội thành và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.

Thảo luận về nội dung này, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 Dự án với những lý do đã nêu trong Tờ trình Chính phủ nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”.


Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Bày tỏ tán thành với sự cần thiết nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, việc đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa kinh tế xã hội mà còn mang ý nghĩa chính trị, mang ý nghĩa đối ngoại hết sức sâu sắc. Việc phát triển đường Vành đai 4 giống như trục xương sống kết nối 7 tuyến đường cao tốc khác nhau, 5 đô thị vệ tinh sẽ được phát triển, thu hút phát triển khu công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, trong bối cảnh đang phục hồi nền kinh tế, điều quan trọng là kích hoạt đầu tư công, bởi đầu tư công là phương thức hiệu quả nhất, vừa kích hoạt đầu tư toàn xã hội, vừa tạo ra tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm và tác động lan tỏa. Do đó, đại biểu cho rằng các dự án này có thể đưa đầu tư công vào một cách hiệu quả để tạo ra động lực tăng trưởng và lan toả.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc chỉ ra rằng, hiện nay đang có điểm nghẽn về giao thông, điểm nghẽn đường cao tốc nhưng điểm nghẽn lớn nhất về giao thông lại nằm ở chính Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những điểm nghẽn quan trọng là liên kết vùng. Cho nên, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là kết nối Thủ đô Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh với các địa phương xung quanh góp phần thúc đẩy tăng cường liên kết vùng và tạo ra tác động lan tỏa. Việc xây dựng các tuyến đường cao tốc không chỉ có ý nghĩa đối với Thủ đô Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh mà còn tạo ra kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng kết nối cho cả nước.


Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nay, vai trò động lực trong phát triển của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang giảm dần trong tương quan chung. Trong điều kiện phát triển một nền kinh tế tri thức, trí tuệ, thông minh, nền kinh tế xanh, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải lấy lại động lực và tăng trưởng để trở thành trung tâm dẫn dắt kinh tế cả nước. Do đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông sẽ giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội tạo ra đà tăng trưởng mới và tiếp tục trở thành động lực dẫn dắt cho nền kinh tế cả nước.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là trục xương sống để kết nối 4 hành lang kinh tế rất lớn, đặc biệt liên quan đến hành lang kinh tế Côn Minh – Hải Phòng. Nhận định khi đường Vành đai 4 ra đời sẽ không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là vành đai đô thị, xương sống để tách giao thông liên tỉnh ra khỏi giao thông nội đô, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng đây là một giải pháp, “lối thoát” tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội.


Đại biểu Đinh Tiến Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Ở khía cạnh khác, đại biểu Đinh Tiến Dũng – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bí thư Thành Uỷ Hà Nội cho biết, dự án đường Vành đai 4 có vai trò quan trọng trong liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển đô thị hóa; có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Dự án Vành đai 4 vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa có tầm nhìn dài hạn. Qua thực tế, những bất cập về tắc đường, úng ngập, quá tải hạ tầng cho thấy cần mở không gian, quy hoạch để giãn dân,... từ đó phát triển giao thông ngầm, các tuyến đường sắt trên cao...Đại biểu cũng cho rằng, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Nhấn mạnh giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn đối với các dự án đầu tư công, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng cần tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ, bao gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Bên cạnh đó, Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó thành phố Hà Nội 741ha, cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường. Đối với cơ chế, chính sách chung của các dự án, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm là không phù hợp về thời gian bởi đã qua 6 tháng đầu năm 2022 Quốc hội mới thảo luận để thông qua.

Cũng tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa–Vũng Tàu (giai đoạn 1)./.
 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc Hội
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: t_nguyenhuutam@yahoo.com
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.761.694