VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

27/09/2021 08:01

Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.


Thủ tướng gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. “Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Chúng ta đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới. Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện…  Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định như Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. “Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ  tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị quan trọng này.
 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Nối lại chuỗi sản xuất để tận dụng cơ hội kinh tế thế giới phục hồi
    Khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam. Giới chuyên gia nhìn nhận: Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình.
  • COVID-19 và FDI tại Việt Nam: Tác động và triển vọng
    Cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất càng khẳng định những khó khăn này chỉ là nhất thời, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư.
  • Đưa chuỗi cung ứng xanh thích ứng với bối cảnh hậu Covid-19
    Trong một nền kinh tế ngày càng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng những nền kinh tế xanh thì chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain) cũng là một hướng phát triển của mới của các doanh nghiệp, giúp tạo vị thế cạnh tranh và có một thương hiệu thân thiện với môi trường.
  • Công điện khẩn xử lý ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm dịch
    Bộ Giao thông vận tải vừa có Công điện số 18/CĐ-GTVT ngày 24/9/2021 về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.100.649