Phóng viên Hoàng Lê - Báo điện tử VOV: Xin cho biết tiến độ đánh giá tác động về việc điều chỉnh giá điện hiện nay như thế nào, kết quả đánh giá ra sao? Khả năng điều chỉnh giá điện ở mức trên hay dưới 10%, dự kiến thời gian điều chỉnh sẽ ra sao? Xin cho biết khoản lỗ của EVN sẽ được xử lý như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Như chúng ta đã biết, giá điện có tác động lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống của người dân.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định đã có quy định rõ, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, do giá điện có tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình, quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Cụ thể, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam,…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng đề xuất của EVN.
Chúng tôi xin khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến câu hỏi về việc xử lý khoản lỗ của EVN, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan để rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo của EVN để tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính và đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên Văn Kiên - Báo Tiền phong: Xuất siêu tháng 1/2023 đạt 3,6 tỷ USD. Dự báo những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động xuất khẩu của nước ta năm 2023 là gì?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Một trong những kết quả có thể coi là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như công tác điều hành của Chính phủ năm 2022 đó là kim ngạch xuất khẩu đã đạt con số kỷ lục. Kết quả này không chỉ đánh dấu kỷ lục về xuất khẩu của chúng ta từ trước đến nay, mà nếu tính đến bối cảnh khó khăn toàn cầu, đặc biệt tình hình địa chính trị thế giới năm 2022 có những biến động phức tạp, khó lường, thì thành tích xuất nhập khẩu cũng cho thấy những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn bộc phát nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay vào đầu năm 2023 và trong cả thời gian tới.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh giảm sút rõ rệt, chủ yếu do một số nguyên nhân:
Một là, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… Thị trường Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách zero-Covid nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng còn diễn biến khó lường.
Hai là, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Ba là, trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày,…
Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, như Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ mở lớn, có nhiều FTA đã ký kết và có hiệu lực, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.
Mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp.
Nguồn: Moit.gov