Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiến vào thị trường Trung Đông
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Tây Á và có vị trí chiến lược trên con đường giao thương giữa ba châu lục Á – Âu – Phi. Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực ASEAN và mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 24 trên thế giới và lớn thứ 6 tại khu vực châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia); Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á (sau UAE). Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh và những biến động của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng tích cực.
Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 24)
ĐVT: %
Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC
Năm 2023, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc chính thức tại Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương, đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD trong giai đoạn tới. Với những lợi thế về vị trí địa lý đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam từng bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2024, Thổ Nhĩ Kỳ có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,737 tỷ USD. Ngày càng có nhiều dự án đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào thị trường Việt Nam, đã có nhiều dự án đã thành công với những kết quả tích cực, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp nước này vào các lĩnh vực tiềm năng như xây dựng, hàng tiêu dùng …
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2020 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đạt 2,24 tỷ USD, tăng 12,06% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,77 tỷ USD, tăng 12,17% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 469 triệu USD, tăng 11,65%.
Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có nhiều cơ hội phát triển bởi đây là nơi giao thương hàng hóa sầm uất từ lâu đời. Khi hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, đặc biệt là chuỗi các hệ thống phân phối sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Phía Việt Nam mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, nông sản, thủy sản … thâm nhập vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của Thổ Nhĩ Kỳ như Carrefour SA, Migros … Trong khi đó, tại các buổi trao đổi công việc với đại diện Bộ Công Thương, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẵn lòng trao đổi danh mục các mặt hàng phía Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu và phía Việt Nam có thế mạnh, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu vào các kênh phân phối cũng như hình thức thanh toán phù hợp … để đẩy mạnh việc sớm đưa hàng hóa Việt Nam vào chuỗi siêu thị, cửa hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu từ Trading Economics, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ trong quý II/2024 có dấu hiệu chững lại, chỉ đạt 0,1%, mức thấp nhất kể từ quý II/2023. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8/2024 đã giảm xuống 51,97%, giảm tốc từ mức 61,78% vào tháng 7 và thấp hơn dự báo của thị trường là 52,20%. Với vị trí địa lý chiến lược và nền kinh tế đa dạng, trong những năm qua Thổ Nhĩ Kỳ đã dần vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong khu vực Trung Đông và Châu Âu. Những ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine cũng có nhiều tác động tới nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này đều có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên. Năm 2022, với vai trò là trung gian hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì đã góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Năm 2017 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ cao nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 1,9 tỷ USD, trong khi đó năm 2020 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí thấp nhất, với trị giá 981 triệu USD, giảm mạnh 44,54% so với năm 2023, nguyên nhân chính xuất phát từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9,31%. Đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,77 tỷ USD, tăng 12,17% so với năm 2022 và tăng 50,85% so với 10 năm trước đó, cho thấy những nỗ lực của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương lên một tầm cao mới.
Trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 162,22 triệu USD, tăng 8,03% so với tháng trước đó và tăng 13,73% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ so với 8 tháng đầu năm 2023 là 1,01%, đạt 1,24 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 25,20%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 11,41%) và Phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 10,04%).
Theo quy định của phía Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Ả-rập, đối với các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường này, doanh nghiệp phải chứng thực hợp pháp hóa lãnh sự đối với bộ chứng từ gửi hàng tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Đại sứ quán của một số nước Ả-rập tại Hà Nội trước khi chuyển bộ chứng từ đó cho người nhập khẩu. Vì vậy, để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra, Bộ Công Thương đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp thành viên phải tuân thủ các quy định của phía Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Ả-rập trong việc hợp pháp hóa lãnh sự bộ chứng từ giao hàng khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 8/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Thổ Nhĩ Kỳ đạt 32,24 triệu USD, tăng 10,87% so với tháng trước đó nhưng giảm 22,65% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm nhẹ là 1,65% so với 8 tháng đầu năm 2023, đạt 278,65 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 15,49%); Quặng và khoáng sản khác (chiếm tỷ trọng 8,85%) và Vải các loại (chiếm tỷ trọng 7,60%).
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong thời gian qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Tháng 9/2023, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Liên đoàn Phòng thương mại và xúc tiến trao đổi hàng hoá Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Hội thảo trực tuyến về xúc tiến thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ nhẳm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước tìm hiểu về lợi ích, tiềm năng cũng như tình hình kinh doanh, văn hóa kinh doanh của mỗi nước. Tại hội thảo, các đại biểu đã cập nhật thông tin về thị trường, các chính sách hoạt động cũng như định hướng phát triển hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2018. Chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Bộ Công Thương Việt Nam nhận định, chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ cho thấy Việt Nam sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại là một trong những trọng tâm trong hội đàm, trong trao đổi thảo luận của lãnh đạo cấp cao và các hoạt động tiếp xúc song phương khác giữa hai bên.
Sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Uỷ ban hỗn hợp giữa hai nước; đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt, các cuộc họp sẽ tiếp tục xem xét, trao đổi với phía Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng thiết lập một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước vào thời điểm phù hợp. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác logistics với Thổ Nhĩ Kỳ để tạo tuận lợi, giảm chi phí cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm hiểu và cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp kết nối, đưa các mặt hàng có thế mạnh (nông thủy sản, rau quả tươi, thực phẩm chế biến, sản phẩm gia dụng…) vào hệ thống phân phối tại Thổ Nhĩ Kỳ như hệ thống siêu thị Carrefour, Metro, Macro Centre, Migros. Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hằng năm tại Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường, tìm kiếm đối tác, tăng cường xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Để sớm đạt mục tiêu hợp tác về kinh tế, ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về thị trường, nâng cao sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức cao hơn, có thể thấy, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ được khai thác và triển khai nhiều hơn nữa trong thời gian tới, hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung của hai bên.
Thông tin chi tiết xem tại đây;
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Trong thời gian gần đây, tình hình giao thương và thương mại giữa Việt Nam và Malaysia đã có những biến động đáng chú ý, phản ánh sự gắn kết chặt chẽ và tiềm năng hợp tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2020 đạt 9,99 tỷ USD, đánh dấu một bước khởi đầu tích cực.
-
Ngày 17 - 20/9/2024 tại Trung tâm Triển lãm Crocus Expo, Moscow, Liên bang Nga diễn ra Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024. Đây là sự kiện chuyên ngành thường niên uy tín và quy mô nhất tại Liên bang Nga trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và đồ uống.
-
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong năm 2023, Hoa Kỳ là nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ ba vào Việt Nam với giá trị xuất khẩu 3,1 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ đạt đạt 9,8 tỷ USD, trong đó một phần đáng kể là mặt hàng nông sản.
-
Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam tại Sydney, Úc đã đạt được bước tiến mới cho ngành trồng trọt của nước này khi thông báo đạt được thỏa thuận xuất khẩu quả mận sang Việt Nam trong thời gian tới, ngoài các hoạt động xuất khẩu quả đào và xuân đào hiện nay.