Thị trường Nam Phi còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác
Nam Phi, tên chính thức là Cộng hòa Nam Phi, là một quốc gia phát triển nhất Châu Phi với vị trí nằm ở cực Nam của lục địa. Nam Phi có đến ba thủ đô và 11 ngôn ngữ chính được sử dụng nên quốc gia này được xem là cầu nối lục địa Châu Phi với thế giới. Nam Phi là quốc gia duy nhất của Châu Phi thuộc nhóm G20 (nhóm các nước đang phát triển), có trình độ khoa học – công nghệ phát triển với cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho các ngành kinh tế trong nước. Tại Nam Phi, dịch vụ được xem là ngành kinh tế quan trọng nhất, chiếm đến 64% GDP cả nước.
Năm 1993, Việt Nam và Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia đã có những bước phát triển tốt đẹp, tạo đà cho kinh tế, thương mại song phương từng bước được củng cố.
Nam Phi là nước có ảnh hưởng lớn về kinh tế và là cửa ngõ giao thương cả đường biển và đường hàng không đi đến các nước miền Nam Châu Phi. Việc hàng hóa Việt Nam thâm nhập được thị trường Nam Phi sẽ có khả năng và cơ hội mở rộng thị trường sang 14 nước thành viên Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi (SADC) và trong đó có 5 nước thuộc Liên minh thuế quan miền Nam Châu Phi (SACU).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nam Phi và xác định quốc gia này là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Châu Phi. Hiện nay, Nam Phi là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi; trao đổi thương mại hai nước những năm gần đây đạt trung bình 1,2 tỷ USD/năm. Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 4/2024, Nam Phi có 19 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 871 nghìn USD.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nam Phi tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; đồng thời đề nghị Nam Phi làm cầu nối cho hợp tác giữa ASEAN với Liên minh Châu Phi cũng như với các cộng đồng kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ Nam Phi phát triển quan hệ với cộng đồng ASEAN một cách hiệu quả và thực chất.
Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Nam Phi trong 3 tháng đầu năm 2024
ĐVT: phần trăm
Nguồn: Trademap
Nam Phi là nước giàu tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản (như vàng, kim cương …), đồng thời cũng có nền nông nghiệp và công nghiệp tương đối phát triển. Tại Nam Phi, ngành công nghiệp khai thác mỏ, chế tạo và thương mại có thể sánh ngang với các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á. Hàng năm, Nam Phi sản xuất khoảng 4 triệu tấn crôm (chiếm 3/5 lượng giao dịch crôm trên thị trường thế giới), là nước xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới (ngành công nghiệp khai thác vàng đóng góp khoảng 2% tổng GDP của Nam Phi), là nước sản xuất rượu vang lớn thứ 4 thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nam Phi đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8,66% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 764 triệu USD, giảm 13,12% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 404 triệu USD, tăng nhẹ 1,18%. Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương có nhiều biến động, năm 2023 ghi nhận đà sụt giảm đáng kể so với các năm trước đó do tình hình kinh tế tại Nam Phi rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nam Phi trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo Trading Economics, trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Nam Phi giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều hoạt động kinh tế có sự suy giảm do tình trạng mất điện luân phiên tại Nam Phi kéo dài, trong đó các ngành sản xuất, khai thác mỏ, xây dựng ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Nam Phi giảm xuống mức thấp nhất là 5,2% trong tháng 4/2024, trong năm 2023, tỷ lệ này đã ghi nhận ở mức 6,3% vào tháng 5.
Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn và thách thức với đất nước Nam Phi. Trong 6 tháng đầu năm, hơn 122 cuộc biểu tình lớn đã diễn ra trên khắp cả nước do chính phủ không thể cung cấp đủ điện, nước cho người dân dẫn đến tình trạng mất vệ sinh và các bệnh nhiễm trùng khác. Sau 7 năm kinh tế liên tục tăng trưởng, Nam Phi đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn và mức độ cao tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng và đói nghèo, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nam Phi trong giai đoạn 10 năm 2013 – 2023 có nhiều biến động, trong đó năm 2023 ghi nhận đà giảm so với cùng kỳ năm 2022, với trị giá 764 triệu USD, giảm 13,12% so với năm 2022; trong khi đó năm 2020 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu thấp nhất, với trị giá 681 triệu USD, giảm 14,85% so với năm 2019, chủ yếu là do sự bùng phát của đại dịch Covid - 19.
Nhìn chung, Việt Nam và Nam Phi vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau. Điều này tạo thuận lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên củng cố và đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là với những mặt hàng mà một bên có thế mạnh còn một bên có nhu cầu và ngược lại.
Trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nam Phi đạt 78,2 triệu USD, tăng 31,41% so với tháng trước đó và tăng 6,91% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ so với 5 tháng đầu năm 2023 là 2,32%, đạt 342,5 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 32,40%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 11,98%) và Giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 11,91%).
Việt Nam và Nam Phi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo an toàn, tin cậy, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng của hai nước thâm nhập vào thị trường của nhau, trong đó có việc đàm phán, ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, lĩnh vực hai nước có tiềm năng lớn và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Nam Phi trong tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 5/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nam Phi đạt 31,4 triệu USD, giảm mạnh 43,22% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng rất mạnh là 221,88% so với năm tháng đầu năm 2023, đạt 380,9 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Hàng rau quả (chiếm tỷ trọng 6,72%); Kim loại thường khác (chiếm tỷ trọng 1,25%) và Chất dẻo nguyên liệu (chiếm tỷ trọng 0,42%).
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, cả Việt Nam và Nam Phi đều có những đặc sản về rau củ quả có chất lượng và giá trị thương mại cao, đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Nam Phi nổi tiếng về các loại quả có múi như cam, chanh, quýt hay bơ, nho trong khi Việt Nam lại có các loại hoa quả nhiệt đới như vải, nhãn, xoài, thành long. Ngoài ra, cùng loại hoa quả nhưng do thời tiết trong năm ngược nhau nên hoa quả tươi của hai nước hoàn toàn có thể xuất khẩu sang thị trường của nhau mà không sợ có sự cạnh tranh.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Nam Phi trong tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Nam Phi luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Tháng 9/2023, Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nam Phi, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile đã có cuộc gặp hẹp và đồng chủ trì cuộc hội đàm chính thức. Đây là sự kiện quan trọng diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023). Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong suốt ba thập kỷ qua. Việt Nam và Nam Phi đã trở thành đối tác quan trọng của nhau tại Châu Phi và Đông Nam Á. Hai bên triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Diễn đàn Đối tác liên Chính phủ. Hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác song phương; củng cố khuôn khổ pháp lý thông qua việc sớm hoàn tất và ký kết các thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục đại học, khoáng sản. Phía Nam Phi ghi nhận đề nghị của Việt Nam sớm tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại tự do và các văn kiện hợp tác chuyên ngành khác như bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế song trùng... Việt Nam và Nam Phi cũng xác định nông nghiệp là lĩnh vực giàu tiềm năng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở triển khai hoặc ký mới các văn kiện hợp tác, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu ở mỗi nước cũng như đóng góp đảm bảo an ninh lương thực của thế giới; bên cạnh đó, hai bên cần nghiên cứu mở rộng hợp tác về khoa học nông nghiệp.
Tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Paul Mashatile có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tại buổi tiếp đón, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và xác định Nam Phi là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Châu Phi. Về phía Nam Phi, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, các lãnh đạo bộ, ngành Nam Phi tháp tùng đã có một số cuộc làm việc với lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam để trao đổi về phương hướng hợp tác cụ thể. Ngoài ra, trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Nam Phi đã gặp một số doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Nam Phi trong các lĩnh vực xe điện, viễn thông, dược phẩm, nông sản, vật liệu xây dựng, gốm sứ... Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác về Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai huy động các nguồn lực tài chính, nhất là trong 5 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính của ngành Giao thông vận tải.
Trong năm 2024, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia:
Tháng 6/2024, trong khuôn khổ công tác đối ngoại, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài, từ ngày 14-18/6, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương do ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi. Trong thời gian này, đoàn công tác cũng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nam Phi. Đây là hoạt động do tỉnh Hải Dương phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi tổ chức. Tham dự hội nghị có gần 50 đại diện các doanh nghiệp của Nam Phi đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, dược phẩm y tế, khai khoáng, đầu tư tài chính, phát triển sân golf…
Tại buổi làm việc với Hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả của Nam Phi tại thành phố Cape Town, các doanh nghiệp đã trao đổi thông tin về tình hình xuất khẩu hoa quả tươi của Nam Phi bao gồm các loại hoa quả có múi, hoa quả có hạt cứng, đặc biệt là các loại nho. Đây là những loại hoa quả có thế mạnh của Nam Phi, hằng năm xuất khẩu trên 4 triệu tấn ra nước ngoài khoảng 5 tỷ USD Mỹ, chủ yếu là thị trường châu Âu, chiếm trên 35% sản lượng. Riêng ở thị trường Việt Nam, hiện Nam Phi mới hợp tác xuất khẩu số lượng nhỏ cam. Hiện hiệp hội đang xúc tiến để đưa nho vào thị trường Việt Nam. Hiệp hội bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nam Phi để sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật chế biến sâu, đưa hoa quả Việt Nam và Nam Phi đến tay người tiêu dùng hai nước. Ngoài ra, Đoàn cũng đã đến thăm một số cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản hoa của của Nam Phi ứng dụng công nghệ cao.
Tháng 8/2024, nhằm hỗ trợ các tổ chức, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến giao thương, tìm kiếm các cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường Nam Phi, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Nam Phi. Thời gian của chuyến đi là 09 ngày, dự kiến đầu tháng 8/2024 tại Cape Town và Pretoria (Nam Phi). Sau khi kết thúc chương trình, Đoàn doanh nghiệp tham dự sẽ tiếp tục được Cục XTTM hỗ trợ kết nối với các đối tác Nam Phi tiềm năng, cung cấp dịch vụ thẩm định đối tác, tư vấn lập hợp đồng ngoại thương... theo nhu cầu.
Với vị trí địa lý thuận lợi và tốc độ phát triển kinh tế bậc nhất Châu Phi, Nam Phi được đánh giá là thị trường tiềm năng, là cửa ngõ để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào lục địa này. Để có được nguồn cung hàng lớn và bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác mạnh mẽ hơn thị trường Nam Phi, đặc biệt là hệ thống các chuỗi bán lẻ ở Nam Phi thông qua các hợp đồng sản xuất, gia công, cung ứng sản phẩm.
Thông tin chi tiết xem tại đây;
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có sự phát triển mạnh mẽ và ổn định trong những năm gần đây, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ song phương giữa hai nước. Trên bình diện khu vực, cả Việt Nam và Indonesia đều là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại thông qua các cơ chế và hiệp định thương mại tự do.
-
Vải thiều tươi từ vùng trồng Lục Ngạn, Bắc Giang tiếp tục được tập đoàn The Mall Thái Lan tin tưởng đưa vào chuỗi siêu thị Gourmet Market. Đây là năm thứ hai liên tiếp The Mall Thái Lan đưa trái vải của Việt Nam vào bán trong các trung tâm thương mại lớn của tập đoàn ở thủ đô Bangkok để phục vụ thực khách thập phương.
-
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về cung ứng các sản phẩm gia vị. Gia vị của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Đây là ngành có tỷ lệ 95% hàng hóa xuất khẩu nên các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng. Các thị trường xuất khẩu chính của gia vị Việt Nam bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Trung Quốc.
-
Trong tuần giao dịch 10-16/6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá, trong đó nhiều mặt hàng ghi nhận mức biến động mạnh. Nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đặc biệt thu hút sự chú ý.