Thị trường hàng hóa nguyên liệu trên đà hồi phục
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ trong tuần từ 05/06 – 09/06. Trong số 31 mặt hàng đang giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), có 22 mặt hàng tăng giá và 9 mặt hàng giảm giá.
Dầu đậu tương tăng hơn 10%
Đóng cửa tuần, chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng 1,14% lên 2.162 điểm. Chỉ số này đã tăng gần 4% kể từ đầu tháng 06/2023, phản ánh xu hướng tăng trong ngắn hạn trên thị trường hàng hóa. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đang ổn định ở mức trung bình 4.300 tỷ đồng/ngày.
Dẫn đầu mức tăng của thị trường trong tuần qua là mặt hàng Dầu đậu tương đang liên thông với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group). Hợp đồng Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 07/2023 chốt tuần tăng thêm 10,3% lên mức 1.203 USD/tấn. Giá đậu tương, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất dầu đậu tương, cũng tăng 2,5% lên 509,5 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung đậu tương tại các vùng sản xuất trọng điểm là nguyên nhân chính khiến giá tăng trong thời gian gần đây. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã giảm dự báo sản lượng đậu tương của Argentina, nước sản xuất dầu đậu tương lớn nhất thế giới, đi 2 triệu tấn xuống còn 25 triệu tấn. Thời tiết xấu đã làm mất 42% sản lượng mùa vụ đậu tương của Argentina so với năm ngoái. Điều này khiến lượng xuất khẩu dầu đậu tương dự kiến sẽ chỉ đạt 3,75 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm 23% so với niên vụ trước.
Tại Mỹ, giai đoạn gieo trồng đậu tương mùa vụ 2023/24 đã hoàn thành trên 96% diện tích dự kiến. Mặc dù tốc độ gieo trồng nhanh hơn mức trung bình trong 5 năm trở lại đây, nhưng chất lượng đang ở mức đáng lo ngại. USDA báo cáo chỉ có 62% diện tích đang đạt chất lượng tốt & tuyệt vời, là hậu quả của thời tiết khô hạn kéo dài từ đầu tháng 5 tới nay ở Mỹ.
Nhóm Kim loại đồng loạt tăng
Không giống như sự phân hóa ở các nhóm mặt hàng khác, nhóm kim loại đồng loạt tăng giá mạnh trong tuần trước. Giá Quặng sắt kỳ hạn tháng 07/2023 trên Sở Singapore (SGX) tăng mạnh nhất, với mức tăng 8,3% lên 112,6 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ ngày 12/04/2023 tới nay. Mặt hàng này đang có chuỗi 7 ngày tăng liên tiếp, 11 ngày tăng giá trong 12 ngày giao dịch gần nhất.
Thị trường đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong tuần trước, một loạt các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã tiến hành hạ lãi suất tiền gửi để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu của Bloomberg, Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất điều hành và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng tới, đồng thời đưa ra những chính sách khôi phục thị trường bất động sản, động lực chính cho nhu cầu tiêu thụ kim loại.
Giá thép trong nước điều chỉnh giảm lần thứ 9
Bất chấp mức tăng mạnh của nguyên liệu sản xuất, giá thép tại Việt Nam đã có 9 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp. Mới đây, giá thép cuộn CB240 tại khu vực miền Bắc được điều chỉnh giảm 200 - 310 đồng/kg tại tất cả các thương hiệu; khu vực miền Trung ghi nhận giá thép cuộn CB240 giảm 200 - 250 đồng/kg tại Hòa Phát, Việt Đức và Pomina. Tại miền Nam, giá thép cuộn CB240 tại Pomina và Hòa Phát giảm lần lượt 200 đồng/kg và 210 đồng/kg.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phân tích, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây là do nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho. VSA cũng dự báo giá thép có thể sẽ tiếp tục giảm tiếp từ nay đến cuối năm.
Lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 4/2023 giảm hai chữ số, về mức thấp thứ hai kể từ năm 2022, dù giá liên tục giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 8,8 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,1 triệu tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ.
Nhu cầu tại các thị trường lớn của xuất khẩu thép Việt Nam như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn sắt thép các loại trong tháng 5, với kim ngạch xuất khẩu đạt 931 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, nước ta đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn sắt thép, kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD. Đây là mức tăng 10,4% về lượng, nhưng giảm 16% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Xem thêm thông tin mặt hàng dầu ăn tại đây;
Xem thêm thông tin mặt hàng sắt thép kim loại tại đây;
-
Ngày 07 tháng 4 năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận Hồ sơ của công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu), yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Thái Lan và Ma-lai-xi-a.
-
Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho thấy, giá hàng hoá nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong tuần giao dịch vừa qua (29/05 – 04/06). Tuy nhiên, lực bán rất mạnh trên nhóm năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index giảm 0,68%
-
Ngành vận tải container đã trải qua sự sụt giảm đáng kể về giá cước vận chuyển dài hạn toàn cầu trong tháng 5.
-
Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) – Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc Ma-rốc ban hành kết luận rà soát thuế tự vệ đối với thép cán nóng nhập khẩu.