VITIC
Thị trường thế giới

Thị trường hàng hóa giảm mạnh tuần thứ 3 liên tiếp

08/05/2023 09:05

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa tiếp tục đóng cửa tuần giao dịch rất sôi động. Toàn thị trường ghi nhận đến 8 mặt hàng có mức biến động trên 5%. Mặc dù 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại đồng loạt đón nhận lực mua rất tích cực, tuy nhiên sức ép bán rất mạnh từ nhóm Năng lượng đã kéo chỉ số MXV- Index chốt tuần giảm 1,05% xuống 2.228 điểm.

Tuy nhiên, với ưu thế của thị trường giao dịch T0, dòng tiền đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng trong tuần vừa qua. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 14% so với tuần trước đó.

Giá nông sản bật tăng mạnh

Thị trường nông sản đóng cửa tuần với 6 trên 7 mặt hàng tăng giá. Lúa mì là mặt hàng có diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần trước. Giá đóng cửa với mức tăng hơn 4% và lực mua chủ yếu được đẩy mạnh vào nửa cuối tuần và xuất phát từ những thông tin xoay quanh căng thẳng chính trị ở Biển Đen. Nga đã cáo buộc Ukraine tổ chức tấn công Điện Kremlin bằng máy bay không người lái để sát hại Tổng thống Putin trong tuần trước nhưng thất bại. Hãng thông tấn Nga RIA cho biết Nga xem vụ tấn công là một "hành động khủng bố có kế hoạch" và bảo lưu quyền trả đũa.

Sau đó, Phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã không đạt được thỏa thuận vào thứ Sáu (05/05) về việc cho phép bất kỳ tàu nào thực hiện xuất khẩu ngũ cốc ở biển Đen. Việc hoạt động xuất khẩu có thể gián đoạn một lần nữa đã thúc đẩy lực mua mạnh với giá lúa mì.

Cùng với đó, giá ngô đã hồi phục trở lại với mức tăng gần 2% được ghi nhận sau đợt lao dốc mạnh trước đó. Các yếu tố cơ bản về triển vọng mùa vụ và nhu cầu vẫn duy trì, lực mua đối với mặt hàng này chủ yếu đến từ ảnh hưởng của việc giá lúa mì tăng vọt. Trong báo cáo của Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), tổ chức này đã cảnh báo sản lượng ngô năm nay của Argentina có thể tiếp tục bị cắt giảm xuống dưới mức 36 triệu tấn do ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử. Năng suất ngô sớm thấp hơn dự kiến ở Cordoba, một tỉnh trồng ngô trọng điểm của Argentina. Vào đầu vụ, BAGE dự báo sản lượng ngô năm nay của Argentina ở mức 50 triệu tấn. Hiện tại, tiến độ thu hoạch ngô của nước này đã đạt 20% diện tích dự kiến, chậm hơn so với mức trung bình cùng giai đoạn 3 niên vụ trước là 31%.

Mặc dù không còn mang tính bất ngờ với thị trường nhưng thông tin này vẫn góp phần hỗ trợ đà tăng đối với giá ngô. Ngược lại, theo báo cáo Export Sales trong tuần vừa rồi, số liệu bán hàng ngô của Mỹ đạt mức âm, do 2 đơn hàng lớn mà Trung Quốc đặt mua đã bị huỷ. Thông tin này càng củng cố triển vọng nhu cầu suy yếu và hạn chế lực mua đối với mặt hàng này ở vùng kháng cự tâm lí 600 cents. Theo MXV, trong tuần này, giá có thể sẽ chỉ giằng co quanh vùng giá 600 này do hoạt động gieo trồng ở Mỹ vẫn đang diễn ra thuận lợi.

Giá dầu lao dốc tuần thứ 3 liên tiếp

Kết thúc tuần giao dịch ngày 01/05 – 07/05, thị trường năng lượng chìm trong sắc đỏ. Giá khí tự nhiên dẫn đầu đà lao dốc với mức giảm 11,33% xuống còn 2,13 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Thời tiết ôn hoà, nhu cầu yếu, trong khi sản lượng tại Mỹ gia tăng đã thúc đẩy lực bán.  

Cụ thể, sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã tăng lên 101,6 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến tháng 5, tăng từ mức kỷ lục 101,4 tỷ feet khối trong tháng 4, theo dữ liệu từ Reuters. 

Giá dầu cũng đã ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần qua, với dầu WTI đánh mất 7,09% giá trị xuống còn 71,34 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 6,26%, chốt tuần ở mức 75,3 USD/thùng. Đây cũng là tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp của dầu thô. Mặc dù lực mua tích cực hơn trong phiên cuối tuần, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho đà suy yếu của giá dầu trong các phiên đầu tuần trước sức ép rủi ro suy thoái kinh tế. 

Sau sự sụp đổ của Ngân hàng SVB và Signature, trong tuần qua, First Republic đã chính thức bị bán cho Ngân hàng JPMorgan sau chuỗi ngày khó khăn về thanh khoản.  

Thêm vào đó, sự bế tắc của Chính phủ Mỹ về việc có nên tăng trần nợ hay không đã làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 6. Những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư, kéo theo rủi ro suy thoái có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu, và liên tục kéo giá dầu lao dốc trong các phiên đầu tuần. 

Trong khi đó, được kỳ vọng là lực đẩy cho bức tranh nhu cầu dầu thô, nhưng chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tháng 4 của Trung Quốc bất ngờ về dưới ngưỡng 50, đạt mức 49,2 điểm, biểu thị sự thu hẹp quy mô của các nhà máy sau khi mở rộng trong 3 tháng đầu năm.  

Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu tiêu thụ hạn chế hơn, phản ánh qua việc tổng sản phẩm nhiên liệu cung cấp trong tuần kết thúc ngày 28/04 đã giảm từ 20,2 triệu thùng/ngày về 19,8 triệu thùng/ngày.  

Nguồn cung tại Nga vẫn đảm bảo bất chấp thông báo cắt giảm sản lượng. Xuất khẩu của Nga đã tăng trở lại trên 4 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 28/04, mức cao thứ 2 kể từ sau giai đoạn căng thẳng tại khu vực Biển Đen. 

Lực mua chỉ quay trở lại với thị trường dầu thô trong phiên cuối tuần, khi dữ liệu lao động mạnh mẽ tại Mỹ đã xoa dịu một phần lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế. 

Đã có thêm 253.000 việc làm trong tháng 4 tại Mỹ, theo dữ liệu Bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ. Con số này cao hơn cả số liệu tháng trước và dự báo của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 3,5% xuống 3,4% trong tháng trước. 

Ngoài ra, các nhà khai thác tại Mỹ vẫn thận trọng với việc mở rộng nguồn cung. Số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm 7 giàn trong tuần này, và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2. Tổng số giàn khoan đã giảm xuống còn 748 trong tuần này, cao hơn 43 giàn so với số giàn khoan lần này vào năm 2022 nhưng thấp hơn 327 giàn so với số giàn khoan vào đầu năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.  

Thị trường dầu thô có thể tiếp tục biến động mạnh trong tuần này

MXV nhận định, đà giảm của giá dầu kể từ giữa tháng 4 đến nay chủ yếu do sức ép từ bối cảnh kinh tế vĩ mô tiêu cực, trong khi thiếu vắng các chất xúc tác mới từ phía nguồn cung.

Trong tuần tới, yếu tố cung cầu nhiều khả năng sẽ quay trở lại chi phối xu hướng giá dầu trước loạt báo cáo thị trường năng lượng tháng 5 của Cơ quan Thông tin Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo kế hoạch đã được thông qua hồi đầu tháng 4, OPEC sẽ chính thức cắt giảm sản lượng kể từ tháng 5. Do đó, thị trường sẽ xem xét kỹ hơn các dự báo về nguồn cung và nhu cầu trong năm nay, và giá dầu có thể biến động mạnh.

Thực tế, yếu tố về nguồn cung không còn quá bất ngờ với thị trường, nên có thể các dự báo về nhu cầu từ báo cáo sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới xu hướng của giá dầu.

Thị trường cũng sẽ hướng tâm điểm về dữ liệu lạm phát của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Sau cuộc họp lãi suất tuần trước, các ý kiến về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, hay ngừng chu kỳ tăng đang tương đối phân hoá. Dữ liệu lạm phát tháng này dự báo sẽ đem lại nhiều biến động cho thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu nói riêng.


 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.002.961