VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Thay đổi tư duy, hành động trong hợp tác đầu tư nước ngoài

04/02/2020 13:55
Ðể biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc thành hiện thực, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20-8-2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ÐTNN) đến năm 2030.
Mảng sáng của bức tranh kinh tế
Nghị quyết hướng đến cách tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia (TNC) đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ðồng thời tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với DN trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho DN Việt Nam.
Nghị quyết 50 đề ra mục tiêu: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 đến 300 tỷ USD (40 đến 50 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện tương ứng khoảng 100 đến 150 tỷ USD (20 đến 30 tỷ USD/năm) và khoảng 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm). Hai mục tiêu này là khả thi, vì năm 2019 Việt Nam đã thu hút 35,97 tỷ USD vốn ÐTNN và vốn thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tốc độ tăng bình quân 7 đến 8%/năm hoàn toàn trong tầm tay.
Ðầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019. Tính đến ngày 20-12-2019, vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD, tăng 1,4% so với năm 2018. DN FDI có kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 145,5 tỷ USD, tăng 2,5% và chiếm 57,4% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Khu vực kinh tế này cũng xuất siêu gần 35,68 tỷ USD, không những bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước, mà còn tạo ra xuất siêu 11,2 tỷ USD cho nền kinh tế.
Phân bố vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục giữ tỷ trọng như những năm trước. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trở nên sôi động, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đăng ký: Năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 37,3%. Ðó là tín hiệu đáng mừng do quy mô DN trong nước đã lớn mạnh tạo ra nguồn cung dồi dào cho M&A và chính sách mở cửa của thị trường chứng khoán với chủ trương nới rộng room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), FDI đầu tư vào các nước đang phát triển ở châu Á tăng 3,9% năm 2018, đạt 512 tỷ USD, chiếm 39% FDI toàn cầu. FDI vào Ðông - Nam Á đạt mức kỷ lục trong năm 2018 với 149 tỷ USD, tăng 3%. Trong đó, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Thái-lan có mức tăng khá cao. Công nghiệp chế tạo, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, kỹ thuật số là những ngành các nước ASEAN thu hút được vốn FDI nhiều nhất. Nhiều báo cáo phân tích cho thấy, do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, hiện đang có nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba và Việt Nam nằm trong sự lựa chọn hàng đầu.
Ba nhân tố quyết định
Xét về tổng thể, chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền kinh tế số. Quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, khoảng bốn triệu USD mỗi dự án và thiếu vắng dự án quy mô lớn. Nếu năm 2018 có dự án quy mô 4,14 tỷ USD thành phố thông minh tại Ðông Anh (Hà Nội) liên doanh với Nhật Bản, nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng của Hàn Quốc 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì năm 2019, dự án quy mô lớn nhất là 420 triệu USD. Trong ngành chế biến, chế tạo chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (block-chain), công nghệ tài chính (fintech), trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), nhất là ở hai trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ðiều chỉnh tăng vốn chủ yếu cũng ở các dự án nhỏ, không có dự án quy mô lớn như năm 2018 (Công ty TNHH Laguna, Xin-ga-po điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD).
Ðể đạt được mục tiêu chất lượng vốn FDI đặt ra tại Nghị quyết 50, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI vì đó là những vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị DN, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần tiếp tục thu hút FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po và châu Á, gia tăng nhanh chóng dự án đầu tư từ Mỹ, Ðức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, R&D với nhiều dự án quy mô lớn. Tiếp tục khuyến khích DN vừa và nhỏ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nhưng cần có thêm các công ty xuyên quốc gia (TNCs) trong tốp 500 thế giới đầu tư dự án quy mô hàng tỷ USD công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tương lai, xây dựng thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Cùng với đó, dự án FDI vào các địa phương được thu hút phù hợp với trình độ phát triển của từng tỉnh, thành phố bằng chính sách ưu đãi có phân biệt với danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Ðể đạt được các mục tiêu này, chúng ta cần hoàn thiện thể chế chính trị và thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn, lựa chọn đúng dự án và nhà đầu tư nước ngoài, đó là ba nhân tố quyết định để thực hiện định hướng FDI. Cần triển khai các giải pháp cụ thể như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cần được các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện đồng bộ bằng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo đột phá theo hướng đổi mới, sáng tạo. Xây dựng danh mục dự án FDI theo hướng quy mô lớn, chất lượng cao, đóng góp thiết thực vào định hướng phát triển, không nên kêu gọi FDI với hàng trăm hạng mục như trước đây vì thực tế đã chứng minh là ít có kết quả. Ðổi mới đồng bộ từ hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện, theo dõi, hỗ trợ, thanh kiểm tra quá trình hoạt động của DN,...
Quan trọng nhất là tận dụng cơ hội mới khi vị thế nước ta đã được nâng cao trong khu vực và trên thế giới và sự dịch chuyển một số nhà máy FDI sang Việt Nam để lựa chọn được nhà đầu tư tiềm năng thực hiện dự án quy mô lớn, chất lượng cao.
Yếu tố quyết định là cải cách bộ máy nhà nước theo hướng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tinh gọn, hiện đại và hiệu quả phục vụ người dân và DN với đội ngũ công chức nhà nước chuyên nghiệp, có đạo đức, trách nhiệm cao, giỏi ngoại ngữ và đậm chất văn hóa trong giao tiếp.
 
Nguồn: Báo Nhân dân
Link nguồn
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.010.999