VITIC
Thị trường trong nước

Tập trung phát triển nhóm cây công nghiệp chủ lực phục vụ sản xuất và xuất khẩu

13/03/2024 08:00

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, diện tích 6 cây công nghiệp chủ lực gồm cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa trong cả nước sẽ đạt mục tiêu từ 2,1 đến 2,3 triệu ha.

Cụ thể, sản lượng cà phê nhân đạt từ 1,8 đến 2 triệu tấn, mủ cao su thô từ 1,3 đến 1,5 triệu tấn, chè búp tươi từ 1,2 đến 1,4 triệu tấn, hạt điều từ 360 đến 400 nghìn tấn, hồ tiêu từ 180 đến 230 nghìn tấn và dừa từ 2,1 đến 2,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sáu cây công nghiệp chủ lực đạt từ 14 đến 16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).Việc phát triển cây công nghiệp chủ lực là một thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam nhằm phục vụ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từ đó thúc đẩy giao thương hàng hóa và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Hiện nay, việc phát triển các cây công nghiệp chủ lực trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, điển hình như việc sản xuất chưa theo quy hoạch, chủ yếu là manh mún, lẻ tẻ, chạy theo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn ở dạng thô, chưa có sự ứng dụng linh hoạt công nghệ 4.0 vào sản xuất nên chất lượng và giá trị gia tăng thấp. Ở nhiều địa phương còn xuất hiện tình trạng khi giá sản phẩm giảm mạnh, hiệu quả kinh tế thấp, người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác, làm mất tính ổn định và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành.

Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 với những giải pháp nhằm phát triển bền vững góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản, hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường. Theo đó, các địa phương trên cả nước cần nắm bắt rõ nhóm nhiệm vụ cần thực hiện để đảm bảo tuân thủ yêu cầu và quy định của Đề án, trong đó có việc: xác định vùng sản xuất cây công nghiệp chủ lực trong phương án quy hoạch; rà soát diện tích trồng cây công nghiệp chủ lực trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn; tiếp tục có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất các cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cần có các giải pháp cụ thể hỗ trợ phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác; ưu tiên hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động cho hợp tác xã hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; đầu tư khoa học-công nghệ, thiết bị hiện đại chế biến sâu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; cần xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng; hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.


Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Nguồn: Internet

Đối với người trồng cần chủ động liên kết doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây công nghiệp chủ lực; thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ... Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu chọn tạo, nhập khẩu các giống cây công nghiệp chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến một số cây công nghiệp chủ lực để phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp.


 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.073.299