Tập trung giải phóng hàng nông sản xuất khẩu tồn đọng tại cửa khẩu
Thông tin từ Văn phòng Bộ NN&PTNT cho hay ngày 18/4, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu cùng lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã đi kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn.
Đoàn công tác thị sát tình hình xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn
Tại Lạng Sơn, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trong tỉnh nhưng đến nay vẫn còn hơn 2.600 xe hàng hóa tồn đọng, riêng tại cửa khẩu Tân Thanh có hơn 1.000 xe… Nguyên nhân là do phía Trung Quốc siết chặt biên giới để chống dịch COVID-19 nên mỗi ngày tại 3 cửa khẩu chính của Lạng Sơn (Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam) chỉ có khoảng 600 lượt xe thông quan, giảm 50% so với trước đây.
Theo Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, số xe hàng còn tồn đọng tại bến bãi khu vực các cửa khẩu hiện còn khoảng 2.000. Tuy nhiên thời gian này, nhờ khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương thì lượng xe từ nội địa lên cửa khẩu có giảm và lượng hàng tồn chủ yếu là từ thời gian trước đây.
Đại tá Ninh Văn Hợp cũng cho biết tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thông quan khi phía Trung Quốc tăng thêm năng lực thông quan. Còn với lượng hàng hóa hiện nay (chủ yếu là nông sản), tỉnh điều hành theo hướng hàng đến trước sẽ được thông quan trước.
Theo bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn, do các xe chở hàng phải nằm chờ thông quan nên số người tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh rất đông. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh và an toàn cho người dân, đồng thời vừa giải phóng nhanh hàng hóa cũng như giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng giải pháp tháo gỡ trước mắt là Việt Nam và Trung Quốc cần thống nhất mở thêm một số luồng để tăng lưu lượng kiểm tra, làm thủ tục cho xe nông sản thông quan được nhiều hơn. Cùng với đó tăng thêm thời gian thông quan tại các cửa khẩu, như cửa khẩu Tân Thanh sẽ tăng thời hoạt động từ 5 giờ lên 7 giờ mỗi ngày và không nghỉ ngày cuối tuần.
Việt Nam và Trung Quốc cũng cần phối hợp làm việc để nâng năng lực bốc dỡ hàng hóa 2 đầu cửa khẩu, giải tỏa nhanh lượng hàng hóa đang ùn ứ hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các tỉnh phía Nam cần nhanh chóng giảm việc đưa xe nông sản lên cửa khẩu Tân Thanh để giảm tải hàng hóa, tránh tình trạng hư hỏng, gây tổn thất chi phí.
Trong thời gian tới, khi tình hình dịch diễn biến khả quan hơn, hoạt động thông thương trở lại bình thường thì các cấp, các ngành cần sớm lên kế hoạch để sẵn sàng đẩy mạnh năng lực xuất nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần đánh giá lại năng lực thông quan trên toàn bộ hệ thống cửa khẩu của Việt Nam với Trung Quốc để các bộ, ngành cùng tìm hướng nâng cao hiệu quả luân chuyển hàng hóa.
Cùng với các giải pháp trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường trao đổi thông tin.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện tại, cần tập trung giãn hoặc tạm dừng lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu, đồng thời hướng dẫn nông dân, chủ hàng chuyển hướng sang xuất khẩu nông sản chính ngạch và tăng cường giao thương nông sản bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Nguồn: Báo Chính phủ
-
Chỉ trong nửa cuối tháng 3, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng đến 15,6%, cả nước xuất siêu 1,12 tỷ USD.
-
Tại văn bản số 3083/VPCP-KTTH ngày 17/4/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
-
Sau cuộc điện đàm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam, Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận nhằm tháo gỡ tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh.
-
Hiện, Bộ Công Thương đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025