VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước những rủi ro

09/05/2020 14:59

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO
 
I. Kinh tế thế giới
Tuần qua, mặc dù tình hình kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 đã ghi nhận những diễn biến tích cực với số ca lây nhiễm và tử vong đang chậm lại rõ rệt và một số quốc gia đang chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế, tuy nhiên, đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước những rủi ro lớn trong bối cảnh giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử đã xuống -38 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/4. Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh là do sự kết hợp giữa việc vẫn phải duy trì khai thác trong khi các kho chứa dầu hết chỗ và nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19. Tuy đã phục hồi trở lại trong những phiên sau đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/4 ở mức gần 14 USD/thùng, nhưng đây vẫn được coi là dấu hiệu của xu hướng giảm phát trên toàn cầu trong thời gian tới. Xét ở mặt tích cực, tình trạng này làm gia tăng kỳ vọng giá nhiên liệu rẻ có thể hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu trở lại nhanh chóng. Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng khiến các nhà xuất khẩu dầu và những nền kinh tế phụ thuộc dầu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và củng cố rõ nét nguy cơ suy thoái trước sự sụt giảm mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.
 
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào trung tuần tháng 4/2020 đã công bố bản hướng dẫn mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại cho dù quốc gia này vẫn đang là tâm dịch lớn nhất thế giới. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo ba giai đoạn nhằm mục đích hướng dẫn các khu vực trên khắp nước Mỹ tiến dần đến việc nới lỏng lệnh hạn chế đối với doanh nghiệp và người dân, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh tại Mỹ và nhiều nền kinh tế trên thế giới đã khiến cho số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức cao. Tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 11/4 là 5,245 triệu đơn, cao hơn so với mức dự kiến đạt 5 triệu đơn trước đó. Như vậy, số lượng trung bình của đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 4 tuần qua dao động vào khoảng 5,508 triệu, tức là đã có tới khoảng 22 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong 1 tháng qua, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở Mỹ đã đạt ít nhất 17%, vượt xa mức đỉnh 10% trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do dịch Covid-19.
 
Tại Trung Quốc, số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, GDP của nước này đã giảm 6,8% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn so với mức dự báo giảm 6,5% trước đó và ghi nhận quý giảm đầu tiên kể từ năm 1992 trước những tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, doanh số bán lẻ - chỉ số quan trọng phản ánh sức tiêu dùng - của Trung Quốc trong tháng 3/2020 tiếp tục giảm 15,8% so với tháng 3/2019, đưa doanh số bán lẻ trong quý I/2020 giảm tới 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2020 cũng giảm 1,1%. Tính chung trong quý I/2020 sản xuất công nghiệp giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3/2020 của Trung Quốc là 5,9%, giảm so với mức kỷ lục 6,2% trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm số lao động di cư mất việc làm, hoặc không thể trở lại chỗ làm vì lệnh cấm đi lại. Trước diễn biến này, tuần qua ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản lần thứ 2 trong năm 2020 nhằm giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Cụ thể, lãi suất cho vay kỳ hạn một năm giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 3,85% và lãi suất cho vay 5 năm giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 4,65%. Động thái hạ lãi suất được thực hiện sau khi Trung Quốc công bố GDP quý I giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước do tác động của dịch Covid-19.

Dự báo hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tháng 4 và tháng 5 vì dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới.
 
II. Kinh tế trong nước
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 4/2020, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 0,8%, trong khi hết quý I/2020 đã tăng trưởng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4/2020 tín dụng đã suy giảm 0,5% do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh trước những tác động của dịch Covid-19. Hiện các ngân hàng thương mại đang tập trung cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Đối với cho vay mới, nhu cầu vay tập trung vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (tăng 1%), cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 0,3%, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại – dịch vụ - du lịch, tiêu dùng… đều giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%. Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất vay, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới... Mặc dù vậy, những biện pháp hỗ trợ này chỉ xoa dịu được phần nào khó khăn. Xét về tổng thể, tình hình dịch bệnh vẫn đang tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền trả nợ cho ngân hàng, kéo theo rủi ro nợ xấu gia tăng trở lại trong thời gian tới.
 
Trên thị trường hàng hóa, xu hướng giảm kỷ lục của giá dầu thô trên thị trường thế giới được nhận định là yếu tố tích cực giúp giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó giúp giảm nhập siêu cũng như tiết kiệm ngoại tệ cho Việt Nam. Đồng thời, giá dầu giảm cũng tác động tích cực đến việc tiết kiệm chi phí của người dân và doanh nghiệp, trong đó các ngành sản xuất nhựa, phân bón, hóa chất, năng lượng… sẽ được hưởng lợi lớn nhất do sử dụng nhiều nguyên liệu từ ngành công nghiệp hóa dầu. Bên cạnh đó, giá dầu giảm sẽ tác động trực tiếp tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng..., từ đó giảm áp lực lên CPI (hiện nay, xăng dầu có quyền số chiếm tỷ trọng 4% trong rổ hàng hóa tính CPI). Ngoài ra, xăng dầu giảm còn có tác động gián tiếp đến nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI - 36,12%), góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, xét ở chiều ngược lại, giá dầu giảm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế nước ta, thể hiện ở nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô sẽ sụt giảm. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng, nhất là khai thác dầu khí hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK


 

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.054.847