VITIC
Xuất nhập khẩu

Tăng cường sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu

25/11/2024 09:39

Trong những năm vừa qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng và tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, thể hiện qua các khía cạnh: tăng trưởng xuất nhập khẩu cao, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Đóng góp trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu của khối đầu tư nước ngoài

Giai đoạn 2019 - 2024, đóng góp kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn duy trì ở mức khoảng 70%, đóng góp kim ngạch nhập khẩu khoảng 60%. Hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, cân bằng cán cân thương mại.

Xuất khẩu

Trong giai đoạn 2019 - 2023, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng bình quân hơn 8,8%/năm. Trong đó, từ năm 2019 - 2022 ghi nhận tăng trưởng dương liên tục với mức tăng cao nhất năm 2021 là 20,87% so với năm trước. Riêng năm 2023, do tình hình khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, kim ngạch giảm 6% so với năm trước. Trong 10 tháng đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi của sản xuất, xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khối tăng 14,79% so với cùng kỳ.

Tình hình xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giai đoạn 2019 - 2024

Năm

XK của khối DN FDI (tỷ USD)

Tăng/giảm so với cùng kỳ (%)

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK của cả nước  (%)

2019

179,2

4,47

67,83

2020

202,9

13,22

71,78

2021

245,2

20,87

72,91

2022

273,6

11,58

73,69

2023

257,2

-6,00

72,52

10T/2024

240,13

12,9

71,5

 

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong giai đoạn 2019 - 2024 không có nhiều thay đổi, chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể, các nhóm hàng chiếm tỉ trọng chính bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị và phụ tùng khác; dệt may, giày dép.

Nhập khẩu

Giai đoạn 2019 - 2023, tăng trưởng bình quân kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt mức 8,9%. Trong đó, trừ năm 2023 kim ngạch nhập khẩu giảm 10,35% do suy thoái kinh tế toàn cầu, các năm còn lại kim ngạch nhập khẩu đều duy trì tăng trưởng dương, trong đó năm 2020, 2021 ghi nhận tăng trưởng cao so với cùng kỳ, cụ thể là năm 2020 tăng 16,85% và năm 2021 tăng 29,11%. Trong 10 tháng đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi của sản xuất, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI giai đoạn 2019 - 2024

Năm

NK của khối DN FDI (tỷ USD)

Tăng/giảm so với cùng kỳ (%)

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch NK của cả nước (%)

2019

144,6

2,09

57,15

2020

169,01

16,85

64,34

2021

218,2

29,11

65,68

2022

233,2

6,87

64,98

2023

            209,07

-10,35

64,06

10T/2024

       198,7

15,8

      63,6

 

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI giai đoạn 2019 - 2024 không có nhiều thay đổi, chủ yếu là các nhóm hàng linh kiện,  nguyên liệu, phụ liệu để phục vụ sản xuất. Cụ thể, các nhóm hàng chiếm tỉ trọng chính bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện; dầu thô; chất dẻo nguyên liệu.

Mối liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước

Bên cạnh vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, khối doanh nghiệp FDI đã và đang là nguồn lực quan trọng để phát triển khả năng công nghệ của khối doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy khối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc tăng cường hợp tác với khối doanh nghiệp nước ngoài yếu tố then chốt để doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới, điều đó thể hiện qua một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, sau hơn 30 năm thu hút vốn FDI, mức độ lan tỏa và kết nối giữa doanh nghiệp FDI và nội địa chưa đạt được kết quả đáng kể. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất còn chưa được như kỳ vọng, khiến tỉ lệ nội địa hóa trong một số ngành còn thấp. Các nhà máy trong nước chưa thường đáp ứng được về quy mô, công nghệ, và tiêu chuẩn để trở thành nguồn cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 26,6% doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào trong nước là các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Con số này vẫn còn là khá thấp so với Thái Lan là 30% và Malaysia là 40%. Sự thiếu kết nối này làm giảm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu về linh kiện và nguyên liệu cho các doanh nghiệp FDI, mặc dù chính phủ đã đề ra mục tiêu và những giải pháp chiến lược để cải thiện tình hình này. Một ví dụ nổi bật là tỉ lệ nội địa hóa của ngành điện tử tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 10-20% trong khi mục tiêu đề ra là 30% vào năm 2025. Đây là một mục tiêu đầy thách trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu, và có đến 70% linh kiện điện tử vẫn phải nhập khẩu. Việc thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa các nhóm doanh nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài thay vì doanh nghiệp nội địa.

Thứ ba, chất lượng nhân lực tại Việt Nam chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Mặc dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, nhưng kỹ năng và trình độ của lao động trong nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Theo khảo sát của VCCI, 64% doanh nghiệp FDI cho rằng sự thiếu hụt nhân lực có trình độ cao là một trong những rào cản lớn nhất trong việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

          Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường.

          Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 cũng xác định định hướng phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam là: “Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường”.

          Ngày 21 tháng 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

          Có thể nói hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được đề nghị tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030  là “Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa, cùng liên kết, hợp tác và phát triển”.

          Đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước

          Về phía Nhà nước:

          Thứ nhất, nâng cao chất lượng công nghiệp phụ trợ bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và công nghiệp phụ trợ thông qua chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp, công nghệ cao và khuyến khích chuyển giao công nghệ từ FDI.

          Thứ hai, có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử có hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, sử dụng công nghiệp phụ trợ Việt Nam, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

          Thứ ba, cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo thông qua việc đẩy mạnh cải cách giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề, để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng cao cho các ngành công nghệ và công nghiệp phụ trợ. Hợp tác với doanh nghiệp FDI để xây dựng các chương trình đào tạo sát với thực tế.

          Thứ tư, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ liên kết nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng và các cơ chế thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đồng thời giảm bớt các rào cản về thủ tục hành chính trong quá trình hợp tác.

          Về phía doanh nghiệp:

          Thứ nhất, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư vào công nghệ và nâng cao trình độ quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của doanh nghiệp FDI. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và các đối tác nước ngoài để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn sản xuất hiện đại.

          Thứ hai, phải chủ động liên kết với doanh nghiệp FDI bằng việc tích cực tham gia các diễn đàn kinh tế, hội chợ thương mại và tìm kiếm cơ hội kết nối với doanh nghiệp FDI, từ đó nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

          Thứ ba, các hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ, điện tử tăng cường vai trò kết nối các doanh nghiệp thành viên, thúc đẩy chia sẻ thông tin, giúp các thành viên xây dựng mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, kết nối với các hiệp hội quốc tế, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên, tổ chức các hoạt động đào tạo, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật./.



 

Hồng Anh thực hiện

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.058.693