VITIC
Thị trường trong nước

Tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng

19/05/2023 10:17

Việc tăng cường hoạt động liên kết giúp tạo ra mối liên kết bền vững, lâu dài giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối phải được chú trọng hơn, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt.


Nhiều hoạt động kết nối sản xuất và tiêu dùng được tổ chức thường xuyên tại Hà Nội. Ảnh: VGP/DA

Nhiều hoạt động kết nối sản xuất, tiêu dùng

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2022, Sở đã tổ chức 7 phiên chợ Việt, 5 tuần hàng Việt nhằm kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; chủ trì phối hợp với 18 quận, huyện giới thiệu khoảng 30 địa điểm để khảo sát, phát triển thành các Điểm OCOP. Đến nay, tổ chức vận hành, trên 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn Thành phố…

Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức phổ biến 2 chuỗi kết nối: Chương trình Kết nối "Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống" và "Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ - nội thấ". Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - người tiêu dùng, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt trong những dịp cuối năm. Đây được xem là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, đóng góp tích cực vào thành công của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Qua đó, kết nối và tạo ra động lực cho lưu thông và phát triển chuỗi tiêu dùng trong nước; góp phần tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng  là hành động thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao ý thức, từng bước củng cố lòng tự hào về chất lượng sản phẩm trong nước, thay đổi thói quen "sính ngoại", hình thành thói quen tiêu dùng tốt trong nhân dân.

Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho hay, hoạt động liên kết giữa các đơn vị sản xuất với người tiêu dùng là hoạt động rất quan trọng. Chính vì vậy, Công ty thường xuyên tổ chức các chương trình liên kết; trong đó, có hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm, liên doanh liên kết…nhằm kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng.

Hiện nay, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương  triển khai khá đồng bộ. Với vai trò là đơn vị làm xúc tiến thương mại, công ty thường xuyên có những chương trình phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức các chương trình. Hơn nữa, công ty cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm kết nối và đưa các sản phẩm vùng miền về nông thôn để bà con nắm bắt được những sản phẩm Việt. Từ đó, tiếp cận những sản phẩm an toàn và chất lượng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay khi đưa hàng hóa về nông thôn là bà con nông dân chưa hiểu hết được giá trị sản phẩm an toàn. Cùng đó, các chủng loại đưa về đây chủ yếu vẫn là các sản phẩm truyền thống nên người dân chưa có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới. Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức đưa hàng về nông thôn đi kèm với hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và tư vấn cho bà con nông dân để vấn đề kết nối được tốt hơn.

Tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh như thời gian này, từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước. Tuy nhiên, việc tăng cường hoạt động liên kết để tạo ra mối liên kết bền vững, lâu dài giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối phải được chú trọng hơn, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đã và đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại. Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Đồng thời tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố; tiếp tục giới thiệu, kết nối hơn 2.000 sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố và hơn 1.600 sản phẩm OCOP Hà Nội đến các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm… để tiêu thụ, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

TP. Hà Nội cũng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

 

Nguồn: thanglong.chinhphu.vn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.002.436