Tăng cường hợp tác thương mại với các nước Bắc Phi
Sáng 28/8, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã chủ trì tổ chức hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Algeria, Tunisia và Lybia.
Tham dự sự kiện có đại diện của hơn 80 cơ quan, doanh nghiệp, trong đó có 40 doanh nghiệp, hiệp hội và phòng thương mại các nước kể trên cùng 40 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nông sản-thực phẩm, thủy hải sản, sản phẩm công nghiệp và logistics.
Hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Algeria, Tunisia và Lybia - Ảnh: Moit.gov
Phát biểu trước các doanh nghiệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia nhấn mạnh Việt Nam là thị trường rộng lớn với gần 100 triệu người tiêu dùng và mở cửa sâu rộng ra thế giới. Về hợp tác Việt Nam-Algeria, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/10/1962. Hợp tác song phương tiếp tục phát triển trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương đạt 250 triệu USD vào năm 2023, tăng hơn 60% so với năm 2022. Cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước không mang tính chất cạnh tranh mà có tính bổ sung cho nhau. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bao gồm càphê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, hóa chất, sản phẩm sắt thép ... Việt Nam nhập khẩu từ Algeria bột minh quyết (carobe powder), dược phẩm, quặng, giấy tái chế, sản phẩm cao su, thức ăn chăn nuôi, chân gà...
Tại hội thảo, các doanh nghiệp nước ngoài tham dự đã bày tỏ sự quan tâm tìm kiếm các đối tác Việt Nam trong xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản (càphê, gia vị, chà là, dầu ôliu), hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, máy móc trang thiết bị dành cho nông nghiệp, xe máy, xe đạp điện, nguyên liệu nhựa, nguyên liệu mỹ phẩm, hóa chất...
Một số doanh nghiệp Algeria khác mong muốn tìm hiểu quy trình thủ tục để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản và giầy dép, hệ thống thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước... Đại diện một số doanh nghiệp đến từ Tunisia quan tâm đến hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất giày dép cũng như trang thiết bị sản xuất nhóm hàng này. Doanh nghiệp Libya tham dự hội thảo cũng bày tỏ nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chế tạo nhằm góp phần tái thiết nước này, trong đó có các dự án tái khởi động các nhà máy lắp ráp xe rơ-móc, xe tải, lắp ráp máy kéo nông nghiệp, sản xuất đường ống dẫn dầu, dẫn nước, dây cáp điện...
Trong thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia này, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế diễn ra ở mỗi nước (ví dụ như Việt Nam Expo, Vietnam Food Expo, Hội chợ quốc tế Algiers, Lễ hội cà phê ở Tunisia...); tăng cường trao đổi thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh, đầu tư; phối hợp trong việc xác minh đối tác kinh doanh và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh giữa các công ty của hai bên.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
New Zealand là một nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao, nhưng phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, chủ yếu với Trung Quốc, Úc, Liên minh châu Âu , Hoa Kỳ và Nhật Bản.
-
Năm 1973, Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao; đến năm 2013, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược. Trên chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác – hữu nghị, vượt qua mọi biến động của lịch sử và tình hình quốc tế, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt đẹp, bền chặt, đi vào chiều sâu và gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
-
Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam – Đức, đặc biệt là hoạt động thúc đẩy hợp tác với các địa phương của CHLB Đức, Thương vụ Việt Nam tại Đức đã phối hợp với thành phố Leipzig, Hội người Việt Nam tại Leipzig tổ chức các sự kiện quảng bá giới thiệu sản phẩm xuất khẩu Việt Nam cũng như ẩm thực Việt tới đông đảo khách tham quan trong thời gian diễn ra lễ hội văn hóa Leipzig từ ngày 23 tháng 8 đến 30 tháng 9 năm 2024.
-
Các tháng đầu năm 2024, kinh tế Vương quốc Anh dần thoát khỏi tình trạng suy thoái của năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động tiêu dùng vẫn suy yếu trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng của người dân.