VITIC
Thị trường thế giới

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường hàng Việt tại Hà Lan

21/10/2024 09:29

Năm 2023, Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chặng đường vun đắp và phát triển mối quan hệ song phương, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới tiềm năng, không chỉ về kinh tế, thương mại, đầu tư mà còn tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế bền vững, hiệu quả. Năm 2019, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác toàn diện, mở ra chương mới cho sự hợp tác và phát triển của hai nước trong tương lai.

Mối quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối "quan hệ năng động và hiệu quả" giữa hai khu vực Á – Âu. Hiện nay, Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của châu Âu ở Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hà Lan ở khu vực châu Á, nằm trong tốp 20 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2024. Kể từ sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào khu vực Liên minh châu Âu (EU) nói chung và thị trường Hà Lan nói riêng đã có nhiều khởi sắc, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước cũng tăng trưởng đáng kể qua các năm.

Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2024, Hà Lan xếp thứ 8 trong 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 14.600 tỷ USD cho 445 dự án. Trong những năm qua, Hà Lan đã triển khai nhiều dự án, chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo , vượt qua đại dịch COVID-19 …

Tốp 11 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 11)
ĐVT: %

Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hà Lan đạt 10,91 tỷ USD, giảm nhẹ 1,77% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,24 tỷ USD, giảm 1,86% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 678 triệu USD, giảm 3,65%. Năm 2023, do những ảnh hưởng từ tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước cũng chịu nhiều tác động.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Hà Lan. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Hà Lan bao gồm: điện thoại, đồ điện tử, dệt may, giày dép, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hà Lan máy móc thiết bị, linh kiện, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm sữa …

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hà Lan trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD

 

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2013 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 2,93 tỷ USD, trong khi đó năm 2022 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 10,43 tỷ USD, tăng 35,75% so với năm 2021 và tăng rất mạnh 255,58% so với 10 năm trước đó; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 14,54%. 

Theo số liệu từ Trading Economics, nền kinh tế Hà Lan tăng trưởng 1% theo quý trong trong quý II/2024, phù hợp với ước tính sơ bộ của thị trường và phục hồi sau mức giảm 0,3% trong quý I/2024. Đây là mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất kể từ quý II/2022, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp từ hoạt động thương mại. Cơ quan dự báo kinh tế của Chính phủ Hà Lan (CPB) dự báo rằng, chi tiêu ở Hà Lan sau khi giảm khoảng 1% trong năm 2023 sẽ phục hồi với mức tăng trung bình 2,7% vào năm 2024 nhờ lạm phát giảm, trong khi mức lương cao hơn. Đặc biệt, các nhóm thu nhập thấp hơn đã được hưởng lợi từ việc tăng mức lương tối thiểu và các phúc lợi bổ sung cao hơn.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nhu cầu của thị trường Hà Lan đang có những dấu hiệu khởi sắc ở hầu hết các nhóm hàng từ nông sản tới điện tử và hàng tiêu dùng. Điều này mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi thuế quan từ lộ trình của Hiệp định EVFTA và nhu cầu thị trường đang dần hồi phục đáng kể.
 
Trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hà Lan đạt 1,01 tỷ USD, giảm 14,29% so với tháng trước đó nhưng tăng 13,94% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng đáng kể so với 9 tháng đầu năm 2023 là 27,52%, đạt 9,45 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 25,01%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 19,44%) và Giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 12,46%).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, kim ngạch nhập khẩu gạo hàng năm của Hà Lan rất lớn, vì không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà một lượng lớn dùng tái xuất sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, gạo Việt Nam hiện chưa tiếp cận được hệ thống phân phối truyền thống của Hà Lan mà phần lớn được phân phối tại các siêu thị Á châu do người gốc Việt làm chủ và một số siêu thị của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc nhưng với số lượng rất khiêm tốn. Trong khi đó, gạo lại là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, xuất hiện tại nhiều thị trường lớn ở khu vực châu Á, vì vậy các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo sang thị trường Hà Lan để mở rộng thêm các đối tượng khách hàng. Trong điều  kiện Hà Lan là cửa ngõ cho các loại hàng hóa vào thị trường EU thì việc tăng cường xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Hà Lan là một cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả khu vực này nói chung.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Hà Lan trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024
  (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 9/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hà Lan đạt 60,49 triệu USD, giảm đáng kể 30,98% so với tháng trước đó nhưng tăng 13,75% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 20,22% so với 9 tháng đầu năm 2023, đạt 567,48 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 19,31%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 10,08%) và Linh kiện, phụ tùng ô tô (chiếm tỷ trọng 6,50%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Hà Lan trong tháng 9/2024 và 9 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hà Lan

Trong năm 2024, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng đã được tăng cường nhằm mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan:

Tháng 3/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan do Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ và Công nghiệp Hà Lan Ingrid Thijssen dẫn đầu đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Thông tin về tình hình Việt Nam và các ưu tiên phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho rằng hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hà Lan tận dụng hiệu quả các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tăng cường mở cửa thị trường, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Hà Lan tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác; tăng cường kết nối doanh nghiệp, xây dựng các dự án cụ thể, khả thi, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch vụ đóng tàu, cảng biển, công nghệ đóng tàu, logistics… Cùng với đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Hà Lan; tăng cường hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng giữa 2 quốc gia; tăng cường gắn kết, hiểu biết lẫn nhau, từ đó kết nối các doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, đầu tư.

Tháng 10/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với ông Marchel Gerrmann, Đại sứ Kinh doanh và hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao Hà Lan để trao đổi về nội dung hợp tác trong lĩnh vực thương mại, năng lượng bền vững giữa hai nước.

Tại buổi gặp, hai bên đã dành thời gian thảo luận về những vấn đề liên quan đến hợp tác thương mại, phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam. Ông Marchel Gerrmann đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai bên, đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ chương trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hà Lan có kinh nghiệm.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách như thương mại, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, logistic, Thứ trưởng khẳng định Hà Lan là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và đề xuất trong thời gian tới, hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác cụ thể, hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực vốn đã có nền tảng hợp tác tốt.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (tại thành phố La Hay), Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Quốc khánh. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo các vị khách quý, bao gồm đại diện Chính phủ Hà Lan, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và người Việt tại Hà Lan. Buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 79 của Việt Nam tại Hà Lan không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử của dân tộc mà còn là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Hà Lan trong các lĩnh vực đối ngoại, kinh tế và văn hóa. Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã phối hợp với công ty MissLinh tổ chức trưng bày “Góc Nông sản Việt”.

Thông tin chi tiết xem tại đây;



 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
  • Khai thác tiềm năng từ thị trường Senegal cho mặt hàng nông sản thực phẩm
    Senegal là thành viên của Liên minh kinh tế - tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước có biểu thuế nội khối ở mức 0%. Đây là quốc gia Tây Phi có nền chính trị ổn định nhất trong khu vực, nền kinh tế mở, là nơi đặt trụ sở Ngân hàng các quốc gia Tây Phi, có cảng biển quốc tế Dakar và hệ thống đường sắt, là nơi trung chuyển hàng hóa trong tiểu vùng.
  • Mở ra cơ hội hợp tác thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ
    Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tham gia Triển lãm Thương mại Quốc tế Uttar Pradesh 2024 (UPITS 2024) diễn ra tại Trung tâm Triển lãm India Expo Mart, thành phố Greater Noida, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Đoàn đại biểu Việt Nam gồm gần 60 doanh nhân và doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã tham gia sự kiện này, nhằm thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế và tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia tại Ấn Độ.
  • Bộ Công Thương tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Hoa Kỳ
    Ngày 8/10/2024, Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ.
  • Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Tunisia mở ra cơ hội hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai nước
    Từ ngày 30/09 đến 04/10/2024, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã thực hiện chương trình công tác tại thủ đô Tunis để làm việc với các cơ quan hữu quan của nước này và phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp hai bên. Ngày 3/10, Hội nghị giao thương trực tuyến được tổ chức với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Tunisia và 60 doanh nghiệp hai nước.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.994.233