VITIC
Thị trường thế giới

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường Nga trong năm 2024

11/07/2024 15:56

Nước Nga, tên đầy đủ là Liên bang Nga, là một quốc gia cộng hòa liên bang nằm ở phía Bắc của lục địa Á - Âu, đây cũng là quốc gia có diện tích lớn nhất trên thế giới. Việt Nam và Liên bang Nga đã có hơn 70 năm xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị, mở đầu bằng dấu mốc năm 1950 khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đến năm 2012, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong hai năm 2019 - 2020, hai nước tổ chức Năm chéo Việt - Nga, Nga - Việt nhân 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994 - 2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2020).

Đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng có chiều sâu và đi vào thực chất. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước cho thấy sự phát triển năng động và tiến bộ trong những năm qua. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga đã có bước tiến mạnh mẽ và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 6/2024, Liên bang Nga có 188 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 988 triệu USD. Thời gian qua, có hàng trăm dự án của Nga đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp … và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,25% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,75 tỷ USD, tăng 12,18% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,89 triệu USD USD, giảm 5,22%. Nhìn chung, trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga có nhiều sự biến động mạnh, kể từ năm 2022, trị giá giảm mạnh so với năm 2021, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình chính trị - kinh tế toàn cầu có nhiều biến động lớn đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của hai quốc gia.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Liên bang Nga trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Liên bang Nga, tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2023 là 3,6%, cao hơn so với kỳ vọng. So với hai năm trước đó, mức tăng trưởng đạt 2,3%. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 là mức cao nhất trong thập kỷ qua (ngoại lệ duy nhất là tốc độ phục hồi sau Covid-19 vào năm 2021). Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Nga đã tăng vọt lên 8,3% vào tháng 5/2024 từ mức 7,8% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2023, khi chịu tác động từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Kể từ sau khi nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên bang Nga có nhiều khởi sắc, chủ yếu ghi nhận đà tăng qua các năm. Tuy nhiên, năm 2022, do chịu tác động từ xung đột chính trị tại một số khu vực trên toàn cầu nên xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia này bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm rất mạnh so với năm 2021, chỉ đạt 1,56 tỷ USD; đến năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang Nga ghi nhận sự phục hồi nhẹ, tăng 12,18% so với năm 2022, đạt 1,75 tỷ USD. 

Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Nga đã triển khai hoạt động kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản như gừng, bưởi, rau quả vào các chuỗi siêu thị của Nga. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khâu cung ứng hàng hóa với số lượng lớn, ổn định và dài hạn cho các đối tác. Do đó, để có thể xuất khẩu sang thị trường Nga một cách hiệu quả và chất lượng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, nhanh chóng xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn.

Tỷ trọng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Liên bang Nga trong 6 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: %)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 188,86 triệu USD, giảm 2,47% so với tháng trước đó nhưng tăng 23,88% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2023 là 44,24%, đạt 1,17 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Hàng dệt, may (chiếm tỷ trọng 34,01%); Cà phê (chiếm tỷ trọng 16,20%) và Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 10,05%).
 
Nga là thị trường nhiều tiềm năng cho mặt hàng dệt, may của Việt Nam.  Thời gian vừa qua, có nhiều doanh nghiệp Nga mong muốn thúc đẩy hợp tác, kêu gọi đầu tư của Việt Nam vào các lĩnh vực kéo sợi, dệt nhuộm tại Nga. Tuy nhiên, một số chính sách của Nga đối với lao động nước ngoài như visa lao động, yêu cầu trình độ tiếng Nga... chưa thực sự thuận lợi cho đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu tập trung hợp tác trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Nga. Để kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nga tăng trưởng ổn định, Hiệp hội Dệt may cho biết cần phải sớm tiến hành đàm phán sửa đổi nội dung của Hiệp định thương mại EAEU về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với một số mặt hàng may mặc của Việt Nam xuất khẩu vào khối EAEU.

Mặc dù Nga là thị trường xuất khẩu hấp dẫn của ngành dệt may Việt Nam, tuy nhiên theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại. Kinh doanh trên thị trường Nga đòi hỏi sự nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài. Khi thâm nhập vào thị trường Nga, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi hình thức kinh doanh để thích nghi với những điều kiện mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt, cải tiến mẫu mã và xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở thị trường này.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Liên bang Nga trong tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm 2024
        (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 6/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 156,6 triệu USD, giảm 23,15% so với tháng trước đó và giảm nhẹ 3,4% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 47,09% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 1,17 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Than các loại (chiếm tỷ trọng 46,36%); Phân bón các loại (chiếm tỷ trọng 14,01%) và Chất dẻo nguyên liệu (chiếm tỷ trọng 5,39%). Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn cung than nhập khẩu, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, phân bón.

 Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Liên bang Nga trong tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Liên bang Nga luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:

Cuối năm 2023, Bộ Công thương tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại cấp quốc gia sang Nga. Hơn 30 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc, cơ khí chế tạo tham gia trưng bày các sản phẩm tiêu biểu tại Hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao Moscow 2023", tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nga và thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B. Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ mong muốn, đây sẽ trở thành sự kiện thường niên nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại giữa hai nước mạnh mẽ hơn nữa. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định các bộ, ngành chức năng của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Phát triển kinh tế và các cơ quan chức năng của Nga để làm cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước triển khai hoạt động hợp tác trong tương lai, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước và cấp độ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đầu năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp nhà nước chính thức đến Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng thống Putin đã tạo xung lực mới cho hợp tác nhiều mặt Việt - Nga. Thông qua Tuyên bố chung, 11 văn kiện hợp tác được ký kết và các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã nhất trí về những định hướng lớn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trên nhiều phương diện. Hai bên khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột, trọng tâm của hợp tác nhiều mặt. Hai bên sẽ cùng nhau phối hợp tháo gỡ khó khăn và thống nhất giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật; sớm thống nhất, triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam - Nga đến năm 2030. Hai bên cũng sẽ phối hợp cùng khai thác tối đa các lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu, tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại song phương; mở rộng tiếp cận thị trường Nga cho xuất khẩu hàng tiêu dùng và nông thủy sản của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đầu tư, nhất là về hạ tầng cơ sở, năng lượng.

Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024) là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và Nga tăng cường tìm hiểu thông tin của nhau, từ đó mở ra những cơ hội lớn cho cả hai phía. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết: Thời gian qua, Thương vụ đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản cho các nhà cung ứng hàng vào chuỗi siêu thị tại đây. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho chuỗi siêu thị. Hơn nữa, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Để sử dụng hết các ưu đãi của FTA mang lại, đồng thời tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Nga đề nghị doanh nghiệp hai bên, nhất là doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại. Cơ quan đại diện tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp, tư vấn và hỗ trợ kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp hai bên. Cùng đó, hai Bộ trưởng đã ký các Nghị định thư sửa đổi Hiệp định liên Chính phủ về hoạt động của hai liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro. Việc ký kết hai văn bản này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ hai nước với chính sách ưu tiên phát triển lĩnh vực năng lượng và dầu khí trong quan hệ hợp tác song phương, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác hai bên.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại với thị trường Nga, Bộ Công Thương khuyến cáo: Việc đăng ký tham dự hội chợ triển lãm là biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả nếu doanh nghiệp có chuẩn bị tốt. Bởi vậy, để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại Nga, doanh nghiệp nên trực tiếp trưng bày sản phẩm hoặc tham quan triển lãm chuyên ngành lớn tại thị trường này. Bộ Công Thương cũng khẳng định tới đây, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tự chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, khuyến khích địa phương/hiệp hội/doanh nghiệp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 5-10 doanh nghiệp) tham dự triển lãm chuyên ngành cụ thể. Chẳng hạn như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, càphê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Nga trong năm 2024 giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng và giúp xuất khẩu Việt Nam-Nga tăng trưởng bền vững.

Thông tin chi tiết xem tại đây;



 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
  • Giá cà phê Robusta tạo đỉnh lịch sử mới
    Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua (9/7) với diễn biến phân hoá rõ rệt. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá 3 nhóm hàng hóa nguyên liệu là nông sản, năng lượng và kim loại. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,67% lên 2.269 điểm.
  • Mở rộng cơ hội hợp tác trong ngành dệt may cho doanh nghiệp Việt Nam và Italy
    Ngày 27/6, Hội thảo "ITALY MEETS VIETNAM: Kết nối Dệt may" diễn ra, quy tụ sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Italy, mang đến cái nhìn sâu sắc về cơ hội và thách thức, giúp doanh nghiệp hai nước tìm ra giải pháp hợp tác hiệu quả và bền vững.
  • Thị trường Nam Phi còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác
    Nam Phi, tên chính thức là Cộng hòa Nam Phi, là một quốc gia phát triển nhất Châu Phi với vị trí nằm ở cực Nam của lục địa. Nam Phi có đến ba thủ đô và 11 ngôn ngữ chính được sử dụng nên quốc gia này được xem là cầu nối lục địa Châu Phi với thế giới. Nam Phi là quốc gia duy nhất của Châu Phi thuộc nhóm G20 (nhóm các nước đang phát triển), có trình độ khoa học – công nghệ phát triển với cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho các ngành kinh tế trong nước. Tại Nam Phi, dịch vụ được xem là ngành kinh tế quan trọng nhất, chiếm đến 64% GDP cả nước.
  • Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Indonesia liên tục tăng trưởng
    Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có sự phát triển mạnh mẽ và ổn định trong những năm gần đây, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ song phương giữa hai nước. Trên bình diện khu vực, cả Việt Nam và Indonesia đều là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại thông qua các cơ chế và hiệp định thương mại tự do.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.999.898