Sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4/2022 (từ ngày 01/4 đến ngày 15/4/2022)
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2022 (từ ngày 01/4 đến ngày 15/4/2022) đạt 32,17 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm gần 4,5 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2022.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/4/2022 đạt 208,83 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 27,85 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 145,04 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng tới 18,03 tỷ USD).
Trong kỳ 1 tháng 4 năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,62 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 144 triệu USD.
Về xuất khẩu:
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 năm 2022 đạt gần 15,28 tỷ USD, giảm 20,9% (tương ứng giảm 4,04 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 3/2022.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 4/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2022 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,27 tỷ USD, tương ứng giảm 41,8%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,02 tỷ USD, tương ứng giảm 27,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 281 triệu USD, tương ứng giảm 14%.
Như vậy, tính đến hết 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 104,34 tỷ USD, tăng 14,4% tương ứng tăng 13,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: hàng dệt may tăng 1,72 tỷ USD, tương ứng tăng 20,4% tiếp tục là nhóm hàng tăng lớn nhất trong các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu; tiếp theo là điện thoại các loại & linh kiện tăng 1,42 tỷ USD, tương ứng tăng 8,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,19 tỷ USD, tương ứng tăng 8,6%; máy móc thiết bị dung cụ & phụ tùng khác tăng 1,09 tỷ USD, tương ứng tăng 10,3%... so với cùng kỳ năm 2021.
Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 01/01/2022 đến 15/4/2022 và cùng kỳ năm 2021
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 4/2022 đạt gần 11 tỷ USD, giảm 24,5% tương ứng giảm 3,56 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 3/2022. Tính đến hết ngày 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 76,29 tỷ USD, tăng 11,7%, tương ứng tăng 8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu:
Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2022 đạt 16,89 tỷ USD, giảm 2,6% (tương ứng giảm 458 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 4/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 373 triệu USD, tương ứng giảm 8,8%; xăng dầu giảm 281 triệu USD, tương ứng giảm 36,3%; sắt thép các loại giảm 144 triệu USD, tương ứng giảm 23,5%...
Như vậy, tính đến hết 15/4/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 104,48 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 14,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 6,18 tỷ USD, tương ứng tăng 31,9%; xăng dầu các loại tăng 1,7 tỷ USD, tương ứng tăng 138,7%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 1,07 tỷ USD, tương ứng tăng 19,5%; than các loại tăng 1,05 tỷ USD, tương ứng tăng 114,2%... so với cùng kỳ năm 2021.
Biểu đồ 2: Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2022 đến 15/4/2022 và cùng kỳ năm 2021
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 11,14 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% (tương ứng tăng 43 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 3/2022. Tính đến hết ngày 15/4/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 68,74 tỷ USD, tăng 17,1% (tương ứng tăng hơn 10 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Dự kiến Bài Phân tích Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 năm 2022 sẽ được phổ biến từ ngày 18/5/2022.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan
Link nguồn
-
Theo tuyên bố của Tổng thổng Indonesia Joko Widodo (Jokowi) vào chiều ngày 24/04/2022, kể từ ngày thứ năm ngày 28/04/2022 tới đây,
-
Khi liên kết vùng và cơ cấu lại sản xuất một cách nhất quán, nông sản không chỉ là "sản phẩm" trên đồng, dưới ao mà sẽ trở thành các "thương phẩm" có giá trị trên thị trường nội địa và quốc tế.
-
Ngày 15 tháng 4 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 706/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng đối với 03 nước nói trên từ 0% đến 36,56%.
-
Không chỉ hàng hóa nông sản, các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nhiều mặt hàng như trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.