VITIC
Thị trường trong nước

Sản xuất công nghiệp tăng tốc ngay đầu năm: Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

28/02/2024 08:41

Với mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 đạt 6-6,5%, ngay đầu năm Chính phủ, bộ ngành,địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh.

Khu vực công nghiệp phục hồi mạnh

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khí thế thi đua lao động, sản xuất tại các địa phương đã sôi động trở lại, với quyết tâm đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh.


Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khí thế thi đua lao động, sản xuất tại các địa phương đã sôi động trở lại, với quyết tâm đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 1/2024, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm tăng cao ở mức hai chữ số như: Khí hóa lỏng LPG tăng 16,8%; xăng dầu các loại tăng 25,8%; thép cán tăng 59,6%; ô tô tăng 14,6%; xe máy tăng 18,6%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%; giầy dép da tăng 13,6%; phân NPK tăng 40,7%...

Cũng theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, các địa phương và doanh nghiệp chú trọng thực hiện tốt việc sản xuất công nghiệp, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực là tiền đề thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá trong những tháng tiếp theo của năm 2024.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong tháng 01/2024 là sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã cụ thể hoá được các giải pháp giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu ước tính tại thời điểm 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm cuối quý III/2023. Trong đó, các ngành công nghiệp sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng…

Một số địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định… tăng tốc bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Tại nhiều doanh nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành khối lượng sản phẩm trước thời gian. Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng, giao hàng đúng hạn hợp đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài trả lương và thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định, việc chăm lo đời sống người lao động cũng được các doanh nghiệp chú trọng, có chính sách hỗ trợ khác về nhà ở, ăn ca, đầu tư cải thiện môi trường làm việc để người lao động yên tâm.

Đơn cử như tại Công ty TNHH Optrontec Vina, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên- Vĩnh Phúc) không khí lao động, sản xuất nhộn nhịp. Với quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, công ty đã đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất; đa dạng hóa ngành nghề, khách hàng; tối ưu hóa nguồn lao động, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất; áp dụng sản xuất lắp ráp nhiều linh kiện mới tăng thêm đơn hàng.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu của công ty là Hàn Quốc, Trung Quốc với doanh thu tháng 1/2024 đạt 24 triệu USD, dự kiến tháng 2 mặc dù có thời gian nghỉ Tết song vẫn đạt 20 triệu USD.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng năm 2024 và ổn định đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ đã họp, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành với những mục tiêu rõ ràng.

Trong đó quan trọng nhất là yêu cầu tăng tốc sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, ổn định vĩ mô. Đáng chú ý, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 168 nhiệm vụ cụ thể; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh, bền vững.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại các địa phương, về phía Bộ Công Thương cho hay, năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2024 sản xuất công nghiệp sẽ vẫn sẽ gặp khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.

Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.

Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 7 - 8%, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành Công Thương, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...

Theo Bộ Công Thương, toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2024, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Thủ tướng ra công điện yêu cầu tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản
    Ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 13/CĐ-TTg liên quan đến việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Công điện được gửi tới Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngoại giao; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp.
  • Lạng Sơn: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá qua tuyến đường sắt
    Chiều ngày 23/2/2024, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam do ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thanh viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm trưởng đoàn, nhằm trao đổi các nội dung nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua tuyến đường sắt; triển khai hiệu quả Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 06/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
  • Giá cả hàng hóa sau Tết ổn định
    Ngày 15/2 cũng là ngày mở hàng với nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Các chợ truyền thống bắt đầu mở cửa kinh doanh trở lại.
  • Tình hình cung - cầu, giá cả thị trường ngày 30 Tết
    Không khí mua sắm Tết trong ngày cuối cùng của năm âm lịch 2023 vẫn khá nhộn nhịp, nguồn cung hàng hoá dồi dào, sức mua giảm nhẹ đôi chút so với những ngày trước đó.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.999.421