VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Sản xuất an toàn trong mùa dịch

24/08/2021 09:26

Những ngày qua, các địa phương khu vực phía Nam vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất trên diện rộng. Tuy nhiên khó khăn vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được khống chế.

Kích hoạt phương án sản xuất trong mùa dịch


Phun khử khuẩn tại một công ty trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Báo Đồng Nai) 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thống nhất ban hành hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, với mục đích giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Theo đó, điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp cần đạt các yêu cầu như nguy cơ lây nhiễm COVID-19 phải ở mức thấp theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Doanh nghiệp không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế. Nếu doanh nghiệp bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và bố trí khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong doanh nghiệp…

Ông Trần Văn Thìn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Tây Ðô (TP Cần Thơ), cho biết, ngay từ giữa tháng 7/2021, trên 100 cán bộ công nhân viên của Công ty đăng ký ở lại Công ty làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Ngoài việc tuân thủ các giải pháp 5K trong sản xuất và sinh hoạt, vấn đề an toàn phòng, chống dịch luôn được đưa lên hàng đầu, như: tất cả xe ra, vào công ty đều được phun dung dịch sát khuẩn, thực hiện test nhanh COVID-19 cho cán bộ công nhân định kỳ 3 ngày/lần…

Ngay từ đầu tháng 7/2021, khi TP Cần Thơ chưa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Công ty TNHH may xuất khẩu Việt Thành đã áp dụng giải pháp “vừa cách ly, vừa sản xuất” cho khoảng 500 cán bộ, công nhân, chiếm khoảng 70% tổng số cán bộ, công nhân của công ty. Ðể tạo điều kiện thuận lợi nhất, công ty thuê khách sạn gần công ty và xe đưa đón công nhân, đảm bảo tuân thủ các biện pháp cách ly...

Theo các doanh nghiệp, việc thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” đã làm tăng chi phí rất cao cho doanh nghiệp do phải bố trí thêm chỗ ăn, ở cho lao động và các chi phí về công tác phòng, chống dịch. Cùng đó, do trải qua thời gian ở tại nhà máy quá dài nên lao động có hiện tượng không đủ sức khỏe, nhớ gia đình,… xin rời nhà máy. Ðến ngày 15/8, số doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động là 1.029/1.090 doanh nghiệp, tương đương 94,4%.

Theo Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An Nguyễn Thành Thanh, toàn tỉnh này ghi nhận khoảng 42.000 lao động được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (mũi 1) tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp khi kết thúc tiêm đợt 1, ngày 10/8. Có khoảng 40.000 lao động tiếp tục ở lại vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" sau khi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Với phương án "3 tại chỗ", Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An nhận được đăng ký của trên 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh với số lượng lao động hơn 49.000 người. Ban đã phối hợp, tổ chức kiểm tra được 577 doanh nghiệp, trong đó có 453 doanh nghiệp đạt điều kiện. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An còn phát hành các văn bản phối hợp tổ chức đón lao động đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp có nhu cầu trở về các địa phương trong tỉnh.

Để duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xây dựng các phương án phù hợp, ứng biến với mọi tình huống để tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” an toàn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Tại TX Tân Uyên, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam đã tổ chức cho 165 lao động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” từ hai tháng nay. Ông Masaharu Wada, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, trước bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Công ty cũng đã 3 lần thay đổi kế hoạch phòng dịch.

Để tiếp tục tăng cường sức khỏe cho người lao động, ngoài việc duy trì 3 bữa ăn chính, lãnh đạo Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam chỉ đạo nhà bếp thực hiện 2 bữa ăn phụ vào xế chiều và tối cho công nhân. Công nhân được ăn theo món sở thích mình đăng ký với nhà bếp. Để bảo đảm cho việc ăn, ở và “chiến đấu” lâu dài với dịch bệnh, trong giờ nghỉ, Công đoàn Công ty tổ chức cho công nhân chơi cầu lông, đá cầu, xem phim… Hệ thống wifi được Công ty phủ khắp nhằm giúp công nhân giải trí, gọi điện, cập nhật thông tin dịch bệnh.

Sau hơn 2 tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đến nay, mọi hoạt động sản xuất của Công ty TNHH JDT Việt Nam, DN 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất vải chống thấm đóng trên địa bàn TX Bến Cát đã dần đi vào nề nếp ổn định. Ông Kashihara Motohiro, Tổng Giám đốc Công ty cho biết trước đó, Công ty đã gấp rút hoàn thành các điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở để gần 100 chuyên gia, lao động có thể “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” ngay tại chỗ. Việc tổ chức thực hiện bài bản tại doanh nghiệp nhận được sự hưởng ứng của người lao động. Ngoài ký túc xá công nhân với 18 phòng, được trang bị đầy đủ tiện nghi, trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ” công ty liên tục tiếp thu những ý kiến của công nhân để bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt thoải mái nhất cho người lao động. Ngoài ra, 100% công nhân, người lao động đều được công ty tổ chức cho xét nghiệm, bảo đảm giữ an toàn trong dịch bệnh.

Khó khăn chồng chất khó khăn


Kiểm tra điều kiện sản xuất trong doanh nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương) 

Có thể thấy, trong đợt giãn cách xã hội tại các địa phương khu vực phía Nam theo Chỉ thị 16 lần này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực tế, ngay khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tái bùng phát, khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho thấy: 84% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó (40% thiếu vốn, 80% bị thu hẹp thị trường, 52% phải cắt giảm lao động, trên 50%  gần như tê liệt hoạt động do giãn cách xã hội).

Không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng, theo ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, khó khăn hiện giờ của các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh để cung ứng cho các kênh tiêu thụ là vấn đề vận chuyển hàng hoá đi giữa các tỉnh. Việc vận chuyển hàng hóa nan giải bởi hàng rào kỹ thuật trách nhiệm giữa các tỉnh, thành phố mà doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa hoặc lưu thông qua lại.

Cũng theo các chủ doanh nghiệp, để giải quyết khâu cung ứng, lưu thông hàng hóa, giữa các Bộ Công thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải chỉ đạo các địa phương thống nhất quy định cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa được thuận lợi

Báo cáo của Hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, với một số nhóm hàng, doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi triển khai áp dụng việc bố trí ăn ở cho lao động tại nhà máy do người lao động có tâm lý tránh dịch. Doanh nghiệp đang vận động công nhân bằng nhiều hình thức và hiện mới khoảng 50% công nhân đồng ý tham gia sản xuất. Có nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng vì số người nằm trong vùng phong toả khá lớn, do đó nguồn nhân lực mất đi tới một nửa.

Theo đại diện Công ty CP Saigon Food, việc quy định "3 tại chỗ" tại các nơi không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và tăng cho phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí "3 tại chỗ" rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm COVID-19 nhiều lần trong tuần đối với nhân sự làm việc "3 tại chỗ" cũng khiến doanh nghiệp mệt mỏi, đuối sức. Trong khi đó, những khoản tiền này không nằm trong chi phí chung của Công ty, nay muốn đưa vào chi phí cũng không được bởi sẽ khiến chi phí đội lên, kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh này, dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng không tăng giá, nếu tăng giá thì không khách hàng, người tiêu dùng nào chấp nhận.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, hiện nay doanh nghiệp còn hoạt động đang phản ánh sản xuất gặp khó khăn do phải giảm từ 50% - 60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, xét nghiệm cho người lao động. Chưa kể, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho doanh nghiệp, trong đó có ngành dệt may.

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến" chỉ có thể là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Thực tế, có một số doanh nghiệp phát hiện có F0 phải đóng cửa và rất lúng túng trong cách xử lý, thậm chi một số tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0. Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp và địa phương cùng thống nhất phối hợp thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thời gian qua, Hiệp hội đã nỗ lực lớn trong việc thông tin đến doanh nghiệp các quy định phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo trực tuyến nhằm chia sẻ kịp thời những kinh nghiệm kiểm soát nguồn lây khi thực hiện “3 tại chỗ”, cách xử lý khi có F0 trong nhà máy, quy trình ổn định sản xuất. Tuy nhiên khó khăn lớn hiện nay là nhiều doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì nguồn cung ứng bị gián đoạn. Các doanh nghiệp kiến nghị các ngành chức năng tạo điều kiện cho nhân viên đại lý hải quan, nhân viên giao chứng từ xuất nhập khẩu làm hiện trường được phép đi lại khi có xác nhận của công ty, có xét nghiệm âm tính... để giúp tháo gỡ hàng hóa, vật liệu tồn kho tại cảng, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, lúc trước, các doanh nghiệp chỉ xác định sản xuất "3 tại chỗ" trong điều kiện khoảng 1 tháng. Nhưng phải kéo dài phương án này, các doanh nghiệp sẽ không làm nổi. Người lao động sẽ bức bách, sinh hoạt khó khăn…, các doanh nghiệp đề xuất địa phương, ngành chức năng nghiên cứu không nên tiếp tục phương án này mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn để không để xảy ra dịch bệnh.

Trong chuyến khảo sát tại các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, phương án "3 tại chỗ" chỉ có thể áp dụng tối đa 3 tuần. Không thể áp dụng giống như trường hợp 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang được, phuơng án cứng rắn này chỉ là giải pháp tạm thời tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần xác định cuộc chiến chống dịch còn dài nhưng làm sao để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, quan trọng nhất là phải duy trì bằng được sản xuất và phân phối hàng thiết yếu đến người dân./.
 

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.264.287