Sẵn sàng cho lô khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc
Trung Quốc đã chính thức công nhận 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang tại Việt Nam bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện nay diện tích trồng khoai lang trên cả nước khoảng 100.000 ha
Hiện nay diện tích trồng khoai lang trên cả nước khoảng 100.000 ha, với tổng sản lượng từ 1,2-1,3 triệu tấn, có thể khẳng định, Việt Nam rất dồi dào sản lượng để xuất khẩu đối với mặt hàng này.
Ngày 9/11/2022, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với sản phẩm khoai lang. Đây là cú hích quan trọng, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới.
Ngày 3/4, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã nhận công hàm của GACC thông báo về kết quả kiểm tra trực tuyến doanh nghiệp khoai lang Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này, theo đó, 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đã được cấp phép.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi nghị định thư được ký, Cục đã phối hợp GACC để cùng chuẩn bị một số điều kiện phục vụ cho công tác xuất khẩu, trong đó có nộp danh sách các hồ sơ về vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang để phía bạn xem xét. Đồng thời đã họp bàn và lên kế hoạch kiểm tra trực tuyến với những đơn vị đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sắp tới.
Ông Hoàng Trung lưu ý, trong đợt kiểm tra vừa qua của GACC, 10/23 cơ sở đóng gói của chúng ta không đạt, tồn tại này cần được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, để các chủ sở hữu cũng như đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục để hoàn thiện lại hồ sơ kỹ thuật. Nếu không đạt tiêu chuẩn, hàng hóa sẽ lập tức quay đầu. Ngoài ra, những cơ sở vi phạm có thể bị tạm ngừng xuất khẩu.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, để một ngành hàng phát triển bền vững, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất phải thấy được trách nhiệm của mình. Với địa phương, rõ ràng thêm một mặt hàng xuất khẩu sẽ đòi hỏi phải bố trí thêm nguồn lực, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật khi cùng tham gia vào khâu kiểm tra, giám sát một cách liên tục.
Cục Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản thông báo tới các địa phương để chủ động thông tin cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, những cơ sở này sẽ lập kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện theo yêu cầu của Trung Quốc để kịp thời xuất khẩu trong vòng một tháng tới đây.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết, Cục đã lập kế hoạch và cam kết sớm tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn về các điều kiện cụ thể cho mã số vùng trồng, cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đối tượng tập huấn là chủ các mã số, cán bộ chuyên môn ở địa phương để tất cả cùng kiểm tra, giám sát, cùng chung tay để thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kiểm dịch trước khi đưa hàng lên cửa khẩu.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
-
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đang trở thành cửa ngõ thông quan, thúc đẩy thương mại hàng nông sản, thủy sản giữa Việt Nam-Trung Quốc và là cửa khẩu đường bộ lý tưởng đón du khách xuất nhập cảnh.
-
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2023 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 14,5% (tương ứng giảm 2.099 chiếc) so với lượng nhập của tháng trước.
-
Các yêu cầu nhãn mác, an toàn thực phẩm khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU, là những thách thức của nông sản Việt tại Australia.
-
Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường