Sản lượng điện thương phẩm tăng dù ảnh hưởng dịch COVID-19
Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 9 tháng năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc vẫn nỗ lực vượt khó bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch. Đáng chú ý, sản lượng điện thương phẩm trong 9 tháng vẫn đạt 169,43 tỷ kWh, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2020.
EVN nỗ lực bảo đảm điện trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: VGP
Trong 2 tuần đầu tháng 9, tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm thấp do nhiều tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện xuống thấp, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) và các Trung tâm Điều độ miền đã và đang huy động giảm phát các nguồn điện bám sát nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và từng khu vực, đồng thời đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Việc chỉ huy điều độ phải phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải giữa các vùng/miền,bảo đảm mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện trong hệ thống luôn thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, thực hiện đồng đều và không phân biệt giữa các loại hình nguồn điện.
Mặc dù sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong tháng 9/2021 ước đạt 17,95 tỷ kWh, giảm 9,95% so với tháng 9/2020 nhưng luỹ kế 9 tháng năm 2021 vẫn đạt 169,43 tỷ kWh, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 9/2021 đạt 19,33 tỷ kWh, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng toàn hệ thống đạt 192,55 tỷ kWh - tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó tỉ lệ huy động thủy điện đạt 54,68 tỷ kWh, chiếm 28,4% tổng sản lượng toàn hệ thống; nhiệt điện than đạt 92,67 tỷ kWh, chiếm 48,1%; tua bin khí đạt 20,92 tỷ kWh, chiếm 10,9% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 22,68 tỷ kWh, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh và điện nhập khẩu đạt 1,01 tỷ kWh, chiếm 0,5% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Tính chung trong 9 tháng năm 2021, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 95 tỷ kWh, chiếm gần 50% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Sản lượng điện truyền tải tháng 9/2021 đạt 14,74 tỷ kWh; lũy kế 9 tháng năm 2021 đạt 152,22 tỷ kWh, giảm 1,6% so cùng kỳ năm trước.
Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các Tổng Công ty Điện lực trực thuộc EVN đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Hiện đại hóa công tác đo đếm điện năng, dịch vụ điện trực tuyến, ứng dụng hiện trường và ứng dụng chăm sóc khách hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
EVN cho biết, trong tháng 9/2021, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng, trong công tác thi công do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Do đó, tiến độ thi công các công trình nguồn điện và lưới điện quan trọng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng năm 2021, toàn Tập đoàn đã khởi công 85 công trình lưới điện; hoàn thành đóng điện 80 công trình lưới điện 110-500 kV, trong đó có nhiều công trình lưới điện quan trọng.
Trong gần 2 năm qua, với tinh thần chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, EVN đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng đối với đợt dịch COVID-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay, EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch với tổng số tiền là khoảng 560 tỷ đồng, trong đó EVN đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 số tiền 400 tỷ đồng, ủng hộ 24.000 máy tính với số tiền tương ứng là 60 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Link nguồn
-
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần hướng tới mục tiêu nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực bền vững...
-
Trong những tháng cuối năm 2021, một trong những hoạt động trọng tâm mà Bộ Công Thương đề ra là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,
-
Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
-
Sáng ngày 05/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.