Quy định mới về sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc
Sản phẩm tháp điện gió là một phần của các máy phát điện sử dụng sức gió, thường có kết cấu bằng thép theo dạng hình trụ. Tháp điện gió là phần nối giữa đế tháp và buồng chứa tuabin điện gió. Sản phẩm này được dựng trên phần đế tháp để chống đỡ tua bin gió và cánh quạt, có tác dụng chịu lực trong quá trình vận hành của máy phát điện sử dụng sức gió. Giá trị của phần tháp điện gió thông thường chiếm khoảng từ 5% đến 7% tổng giá trị của một máy phát điện sử dụng sức gió hoàn chỉnh.
Ảnh minh họa
Theo kết luận của cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại), công ty sản xuất tháp điện gió trong nước là thành viên của một trong những tập đoàn sản xuất tháp điện gió hàng đầu trên thế giới với tổng thị phần chiếm đến 15% tổng công suất điện gió sản xuất trên thế giới. Công ty tại Việt Nam được xem là công ty có năng lực sản xuất và chất lượng tốt nhất trong hệ thống toàn cầu của tập đoàn. Sản phẩm của công ty sản xuất tại Việt Nam đã được xuất khẩu với khối lượng lớn sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngày 24 tháng 12 năm 2024, trên cơ sở xem xét kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3453/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức trong vòng 5 năm đối với một số sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Mặc dù ngành sản xuất trong nước có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhưng căn cứ trên các bằng chứng và dữ liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu từ một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bán phá giá và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước tại thị trường Việt Nam, thể hiện ở các yếu tố như sản lượng, thị phần, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận bán hàng, lao động của ngành sản xuất trong nước đều suy giảm xuống mức thấp nhất trong thời kỳ điều tra.
Vì vậy, để khôi phục lại môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc. Quyết định của Bộ Công Thương cũng xác định một doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá do không có hành vi bán phá giá trong thời kỳ điều tra. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 3453/QĐ-BCT.
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát lại mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc khi có hồ sơ yêu cầu của các bên liên quan theo quy định pháp luật để đảm bảo biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và trong khoảng thời gian hợp lý.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Pháp đạt 3.111,67 triệu USD. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng tháng đạt khoảng 7,61%, cho thấy sự cải thiện ổn định về hiệu quả thương mại và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Pháp
-
Ngày 20/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng thông báo ban hành lệnh cấm sử dụng bisphenol A (BPA), trong các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm và đồ uống.
-
Trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 93,8 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 25,3% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
-
Hoạt động kinh tế Canada chậm lại vào năm 2023. Mặc dù giá dầu thô tăng, giá xuất khẩu hàng hóa của Canada vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm của năm 2022. Sự suy giảm về điều khoản thương mại đã tạo ra cú sốc thu nhập tiêu cực, góp phần làm giảm nhu cầu. Hơn nữa, điều kiện thời tiết khô hạn dẫn đến giảm năng suất đối với các sản phẩm nông nghiệp chính, đặc biệt là lúa mì.