Quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
05/11/2019 13:07
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó, bổ sung Chương Va vào sau Chương V quy định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Theo đó, Nghị định quy định điều kiện văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Cụ thể, cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ sau: Có văn bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.
Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ sau: Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.
Điều kiện, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm như sau: Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định 73/2016/NĐ-CP; cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn như sau: Có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định; có chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm; có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực giám định.
Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ: Có văn bằng từ cao đẳng trở lên; có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Mức trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp.
Tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm
Nghị định cũng quy định tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Cụ thể, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam thì tổ chức nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đóng trụ sở chính.
- Đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;
- Không vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn 3 năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.
- Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.
VTIC-DNTM
Tin cũ hơn
-
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án: “Rà soát và hoàn thiện các chính sách về di dân, tái định cư dự án thủy lợi, thủy điện”.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).
-
(DNTM) Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
-
Chức danh quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra (DNTM) Chính phủ vừa ban hành Nghị định 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 4/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.